Khai thác thị trường nội địa giúp doanh nghiệp bù đắp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tình hình xuất khẩu hàng hóa chưa khởi sắc rõ nét trong tháng 7 và 8/2023, việc khai thác có hiệu quả thị trường nội địa với sức mua của 100 triệu dân là giải pháp giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, góp phần kích thích sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 2 con số
Theo Bộ Công thương, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế là liên tục từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 2 con số.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Với kết quả tích cực của tháng 8, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%).
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công thương cho biết, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; TP. Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.
Kết quả nêu trên cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, thiếu hụt đơn hàng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bù đắp khó khăn do hoạt động xuất khẩu hàng hóa còn nhiều thách thức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu chia sẻ, ngay từ những tháng cuối năm 2022, bên cạnh xuất khẩu, công ty đã triển khai làm hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ giúp cho nhà máy duy trì sản xuất.
"Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85 - 86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu, thì hiện doanh nghiệp đặt ra mục tiêu trong năm 2023, tỉ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%" - bà Liễu chia sẻ.
Còn theo Tổng giám đốc Công ty CP Minh Dương Nguyễn Duy Hồng, là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bún, miến khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu... trong thời gian dịch dịch Covid-19, xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Dự kiến trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ cung ứng cho thị trường nội địa 500.000 tấn bún, miến khô.
Giải pháp giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kích cầu sức mua ở thị trường nội địa, là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.
Trên thực tế, thời gian qua nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, Chính phủ đã có nhiều chính sách và tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa nội địa thông thoáng hơn, có điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, giảm giá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng.
Chẳng hạn, việc Quốc hội quyết định thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, giúp hàng hóa trên thị trường giảm 1,7%. Giải pháp này ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp còn gián tiếp hỗ trợ người tiêu dùng và tác động giúp giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các bộ, ngành chức năng đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội chợ, quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm địa phương, vùng miền cũng như sản phẩm có thế mạnh nhưng gặp khó khăn trong xuất khẩu như dệt may, da giày. Đặc biệt, hoạt động liên kết từ vận chuyển đến logistics, kho bãi cũng được bố trí sắp xếp để giảm chi phí phân phối lưu thông.
Tận dụng cơ hội khuyến khích tiêu dùng nội địa, Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, trong thời gian tới các mặt hàng thủy hải sản được doanh nghiệp ưu tiên đưa ra thị trường nội địa là hàng giá trị gia tăng phù hợp với đặc thù của người dân Việt Nam, nhất là miền Bắc. Bên cạnh đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tích cực triển khai các chương trình kết nối cụ thể hơn với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩn ở thị trường trong nước.
Để thị trường nội địa tăng trưởng bền vững, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh góp ý, kể từ sau đại dịch Covid-19, khó khăn vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển thị trường trong nước. Cụ thể như việc thiếu vốn để hiện đại hóa thị trường bán lẻ, logistics cho nội địa, khó khăn trong xây chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng. Vì vậy, sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa và đặc biệt là có chính sách hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh cũng như chi phí quầy kệ của doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt lưu ý tới kết nối giao thương giữa các đơn vị để giảm thiểu thời gian chuyển hóa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Để gia tăng hiệu quả hoạt động ngay tại thị trường nội địa, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh. Tạo sự liên kết vững chắc giữa doanh nghiệp để có được chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn nhằm giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng Việt nhanh và hiệu quả.