Khai thác thị trường nông sản châu Âu: Thích ứng tiêu chuẩn mới
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những luật lệ mới, nghiêm ngặt từ thị trường Liên minh châu Âu (EU), như: Quy định chống phá rừng; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)… Những tiêu chuẩn xanh và bền vững này đang tác động đến hầu hết sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà-phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ..., đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu, người sản xuất phải nắm bắt nhanh chóng, đầy đủ để thực hiện hiệu quả.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những luật lệ mới, nghiêm ngặt từ thị trường Liên minh châu Âu (EU), như: Quy định chống phá rừng; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)… Những tiêu chuẩn xanh và bền vững này đang tác động đến hầu hết sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà-phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ..., đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu, người sản xuất phải nắm bắt nhanh chóng, đầy đủ để thực hiện hiệu quả.
Theo Văn phòng Thông báo và Ðiểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), năm 2023, thị trường EU có hơn 100 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu vào thị trường này.
Quy định mới trên nhiều lĩnh vực
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết: Năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Quy định chống phá rừng (EUDR)... Trong đó, CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon.
Ðây cũng là cơ chế đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh. Còn theo EUDR, những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 sẽ bị cấm nhập khẩu. Thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR là vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Cà-phê, cao-su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Cùng các chính sách lớn, ngay từ đầu năm 2024, EU đã ban hành quy định mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng đối với một số nông sản. Ngoài ra, chương trình "Từ nông trại đến bàn ăn" cũng dự kiến đưa ra quy định về chống rác thải thực vật... Tất cả cho thấy các quy định về kinh tế xanh, sạch ngày càng được áp dụng nhiều hơn tại Liên minh châu Âu.
Các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết: Năm 2024, EU cũng đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm với nhóm hàng thực phẩm, bao gồm cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội khối. Cụ thể, EU đã đăng công báo ký ngày 16/1/2024 quy định về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào EU một số hàng hóa.
Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra tại cửa khẩu với tần suất 10%. Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong diện kiểm tra với tần suất tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
"Tuy nhiên, Việt Nam không phải trường hợp cá biệt có hàng hóa bị siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm của EU. Quy định cập nhật lần này bổ sung nhiều mặt hàng cần kiểm tra tại cửa khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm thông tin và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU; đồng thời tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này" - ông Ngô Xuân Nam lưu ý thêm.
Nâng cao năng lực xuất khẩu và xúc tiến thương mại
Những quy định mới của EU bao trùm lên toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp hiện nay được đánh giá là tương đối phức tạp và cần thời gian nghiên cứu thực hiện. Ðể làm tốt công tác này nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho biết: Cuối tháng 2/2024, Văn phòng SPS Việt Nam và Trung tâm đổi mới Tentamus (Tập đoàn Tentamus, Ðức) đã ký biên bản hợp tác triển khai hệ thống phần mềm thông báo các nội dung và quy định liên quan vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các thành viên WTO.
Trong đó, Tentamus cung cấp hệ thống phần mềm giúp chuyển thông tin đến doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả và có hệ thống. Trước mắt, bảy nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi EU sẽ được Văn phòng SPS Việt Nam và Tentamus ưu tiên hỗ trợ, gồm: Gạo, tiêu, điều, chanh dây, mật ong, rau quả và thủy sản. Ðây là một cách để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam, giúp tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng thương hiệu tại châu Âu, nhất là với các hệ thống bán lẻ.
Cùng nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng đang tập trung mọi nguồn lực nâng cao năng lực chuỗi sản xuất-chế biến và xuất khẩu. Trong lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Cá tra là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra ba cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang, đã có bốn doanh nghiệp đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao. Ðến nay, các doanh nghiệp có năng lực cung cấp khoảng 500 triệu con giống cá tra chất lượng cao, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành hàng xuất khẩu cá tra, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung vào thị trường EU.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xuất khẩu sang EU vẫn gặp không ít khó khăn do sức mua tại một số thị trường truyền thống của khu vực này chưa tăng mạnh trở lại như kỳ vọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xuất khẩu sang EU vẫn gặp không ít khó khăn do sức mua tại một số thị trường truyền thống của khu vực này chưa tăng mạnh trở lại như kỳ vọng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng phạm vi xuất khẩu, theo hướng quan tâm hơn đến các thị trường mới, ít khai thác mà nhiều tiềm năng như khu vực thị trường Bắc Âu.
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Ðiển, kiêm nhiệm Ðan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Các nước Bắc Âu có nền kinh tế phát triển, tình hình chính trị ổn định, người dân có mức sống cao hàng đầu thế giới. Các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu cũng hoạt động trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực nên đây là khu vực thị trường rất tiềm năng đối với hàng nông sản của Việt Nam, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên triển khai sớm để tận dụng cơ hội xuất khẩu, nhất là tại thời điểm EVFTA đã bước vào năm thứ tư thực thi, việc cắt giảm thuế đã tạo ra cơ hội khác biệt lớn tại thị trường EU giữa Việt Nam và đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước châu Á.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, năm 2024, ngoài quảng bá cho chương trình xúc tiến thương mại, Thương vụ dự kiến tổ chức hội nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại EU vào cuối tháng 6/2024. Ðây là cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp có mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại EU tham gia nắm bắt thông tin, ký hợp đồng. Tại thị trường Bắc Âu, trong tháng 6 tới, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Ðiển sẽ tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Stockholm. Ngoài ra một số doanh nghiệp Thụy Ðiển đang có nhu cầu tìm doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mì trứng, đã xuất khẩu đi EU; sản xuất mì ăn liền, sử dụng dầu cọ có chứng nhận... Các doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại để được hỗ trợ.