Khai thác tiềm năng du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Chiều 8-10, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo 'Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030'.
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kết luận hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan; đơn vị quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên và đơn vị tư vấn thiết kế.
Khu BTTN Xuân Liên được thành lập năm 2000, có tổng diện tích 23.815,5 ha. Hệ động, thực vật Khu bảo tồn rất phong phú và đa dạng, với nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới; có giá trị về khoa học và du lịch sinh thái. Bên cạnh các giá trị tự nhiên, Xuân Liên có nhiều di tích lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc… Do vậy, trong Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, Xuân Liên đã được định hướng trở thành một điểm du lịch cấp tỉnh. Đây cũng là cơ sở để ngày 20-6-2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2457/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Non nước Cửa Đạt.
Đề án có mục tiêu chính là “Bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu BTTN Xuân Liên”. Các mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025, thu hút trên 15.000 lượt khách; tổng thu đạt hơn 12.000 triệu đồng…; Đến năm 2030, thu hút trên 28.000 lượt khách; tổng thu đạt 26.300 triệu đồng...
Cảnh sắc trong lòng Khu BTTN Xuân Liên.
Để phục vụ hoạt động du lịch, một số công trình cần được đầu tư xây dựng, gồm: Trung tâm Du khách; Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Điểm cứu hộ động vật dã Sông Khao; Điểm nghỉ dưỡng cao cấp; Khu trình diễn mô hình rừng; Điểm Hón Can; Điểm thác Hón Yên; Điểm thác Thiên Thủy; Đỉnh Pù Gió; Rừng nguyên sinh – bản Vịn.
Các dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch, dịch vụ khoa học; sản phẩm du lịch kết tinh từ di sản thiên nhiên; sản phẩm du lịch kết tinh từ dịch vụ khoa học, trưng bày, trình diễn di sản thiên nhiên; sản phẩm du lịch kết tinh từ giá trị văn hóa… Các tuyến du lịch chính gồm: Tuyến “Ngược dòng Sông Chu”; tuyến “Dã ngoại thác Yên”; tuyến “Chinh phục thác Thiên Thủy”; tuyến “Chinh phục đỉnh Pù Gió”; tuyến “Khám phá rừng nguyên sinh bản Vịn”…
Di tích đền Cửa Đạt.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, đánh giá cao Khu BTTN Xuân Liên đã làm tốt công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Đồng thời, tích cực, chủ động đề xuất, tham mưu cho tỉnh ban hành quy hoạch “Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2020”, làm căn cứ cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư; quảng bá tiềm năng du lịch và gần đây là xây dựng “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Để hoàn thiện đề án, đồng chí lưu ý chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nên tham khảo “Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2020” để có cái nhìn tổng quan, bao quát và đánh giá kỹ hơn tiềm năng, lợi thế riêng có của Xuân Liên. Đồng thời, phối hợp, gắn kết chặt chẽ với huyện Thường Xuân, nhất là các xã thuộc vùng lõi Khu bảo tồn, trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân trong Khu bảo tồn; quan tâm khai thác thế mạnh môi trường rừng và hồ Cửa Đạt để phát triển du lịch sinh thái.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Khu bảo tồn. Các sở, ngành liên quan cần quan tâm đến cơ chế chính sách, nhất là đầu tư kinh phí để xây dựng hạ tầng; công tác bảo vệ môi trường; công tác bảo đảm an ninh quốc phòng… Trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, ngành, đồng chí yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện đề án, để trình UBND tỉnh phê duyệt.