Mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại: Lo sốt đất
Chỉ nên thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại ở một số đô thị lớn
Ngày 13-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đỗ Đức Duy trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại (NƠTM) qua thỏa thuận.
Phạm vi thí điểm quá rộng
Theo Luật Nhà ở 2014, từ 1-7-2015, nhà đầu tư chỉ được làm dự án NƠTM khi có quyền sử dụng với đất ở. Chính phủ cho rằng cơ chế này làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án NƠTM dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở. Bởi thực tế hạn mức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân tối đa là 400 m2, còn lại là đất nông nghiệp trong cùng thửa. Do đó, nhà đầu tư không thể thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trong khu dân cư để làm dự án NƠTM. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản (BĐS) đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và gồm nhiều loại khác nhau như đất giao thông, cây xanh.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án NƠTM; thí điểm trong 5 năm. Theo đó, các dự án thực hiện tại khu vực đô thị, có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Chính phủ đề xuất cho phép UBND cấp tỉnh cấp phép cho tổ chức kinh doanh BĐS nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng quy định về các loại đất được thực hiện thí điểm quá rộng, trong đó bao gồm cả đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo.
Cân nhắc phạm vi thí điểm
ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) lo ngại nếu cho phép thí điểm thì liệu có tạo cơn sóng sốt đối với các loại đất này?
"Nếu xảy ra sốt các loại đất này thì không chỉ doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai mà nhà nước cũng sẽ khó khăn trong quản lý" - ĐB Thủy nhấn mạnh và đề xuất trước mắt, chỉ nên thí điểm ở một số địa phương để đánh giá xem biến động thực tế.
Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho biết tỉ lệ hộ gia đình có nhà ở tại Việt Nam lên tới 90%, top 3 thế giới, sau Romania, Trung Quốc. Hiện nhu cầu sở hữu nhà chỉ tập trung ở các đô thị. "Do đó, chỉ nên tập trung thí điểm chính sách này tại các đô thị lớn để tăng cung, giảm giá nhà" - ĐB Hiếu đề nghị.
Bên cạnh đó, ĐB Hiếu cũng kiến nghị xem xét chính sách thí điểm cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh sự phát triển ồ ạt, dư thừa nguồn cung. Ông dẫn trường hợp Trung Quốc, sau thời kỳ tung nguồn cung ồ ạt, hiện quốc gia này đang dư 90 triệu căn hộ.
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết, nhưng ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng cần đánh giá kỹ hiệu quả sử dụng quỹ đất dành cho NƠTM hiện tại. "Cần tránh tình trạng đất đai bị sử dụng không hiệu quả, lợi dụng chính sách để trục lợi, đồng thời hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ và "tích tụ" đất đai" - ông Đồng lưu ý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 39
Ngày 14-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ họp phiên 39, xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP HCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).