Khai thác tiềm năng kinh tế 'hành lang' sông rạch
TP.HCM chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhắc lại tại Hội thảo Quy hoạch và Phát triển bờ kè sông Sài Gòn vào năm 2025 diễn ra ngày 10/9/2019, TP. Hồ Chí Minh là thành phố sông nước, ven biển, nhiệt đới gió mùa, với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và hệ thống các kênh, rạch nội thành. Khu vực ngoại thành còn có sông Đồng Nai, sông Cần Giuộc, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, cửa biển Cần Giờ và nhiều sông, kênh, rạch. Đây là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.
Tuy nhiên, cho đến nay, do chưa được quy hoạch tổng thể, quan tâm đúng mức và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.
“Để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần phải có các quy hoạch tổng thể, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, đi đôi với kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất, cũng như thực hiện phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư để huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện các dự án trong hành lang bảo vệ sông rạch và kè bờ” – ông Châu nhấn mạnh.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang kênh rạch, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, khôi phục dòng chảy, kè bờ cứng, làm đường, làm cầu, xây dựng công viên và chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp. Điều này đã làm thay đổi diện mạo đô thị, môi trường sống và "đổi đời" cho hàng chục ngàn hộ gia đình. Đơn cử như Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án rạch Bến Nghé, Dự án kênh Tàu Hũ - Ruột Ngựa, Dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm...
Cùng với đó, đã lắp đặt cống hộp phần thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc dưới lòng đường Út Tịch, quận Tân Bình hiện nay, vốn là một hướng thoát nước của khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất; hoặc gần đây thành phố đã quyết định tháo dỡ cống hộp để trả lại kênh Hàng Bàng (quận 6) để giải quyết tình trạng ngập nước của khu vực này. Khối lượng công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch còn lại rất lớn, phải di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch hơn 20.000 căn hộ....
Một số chuyên gia cho rằng, đứng trước thực tế cũng như các dự báo khoa học về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng mà TP. Hồ Chí Minh là nơi bị tác động rất lớn, trước hết là tình trạng sạt lở bờ sông, rạch, sụt lún đất, ngập úng khi triều cường, mưa lớn, thành phố đã rất quan tâm đến công tác quản lý hành lang bảo vệ sông rạch.
Tuy nhiên, do chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên đã có một số dự án khu nhà ở, khu du lịch đã được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn. Nhất là, chưa có quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông rạch, trên cơ sở thiết lập mới hoặc kết hợp với điều chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 và cập nhật các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án đang sử dụng quỹ đất đến mép bờ cao sông rạch. Chính vì thế, cần thiết phải quy hoạch chi tiết một số vị trí mặt sông, để cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước để phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch.
“Điều đáng nói, thành phố chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành, nhất là tại những vị trí có nguy cơ bị sạt lở, đi đôi với khai thác hiệu quả quỹ đất thuộc hành lang sông rạch và cả một số vị trí mặt nước có thể phát triển kinh doanh dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng theo quy hoạch. Các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao sông rạch, nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm xây dựng bờ kè hoặc đầu tư đường giao thông, lối đi bộ, mảng xanh hoặc đầu tư các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, dẫn đến hành lang bảo vệ sông rạch bị hoang hóa, sạt lở như trường hợp Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được giao đất đến ranh cách mép bờ cao sông rạch khoảng 10m” – các chuyên gia khuyến cáo.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khai-thac-tiem-nang-kinh-te-hanh-lang-song-rach-92031.html