Khai thác tiềm năng, lợi thế để giảm nghèo nhanh, bền vững

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 giảm từ 2 - 2,5% hộ nghèo mỗi năm; đồng thời, quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, tiến tới giảm nghèo bền vững. Trong đó, các quyết sách của HĐND tỉnh đã giúp các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, Mục tiêu đặt ra, việc giảm nghèo phải gắn với thực tế, giảm nghèo đến đâu chắc đến đó.

Giảm nghèo đến đâu chắc đến đó

Là một tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, những năm qua Tuyên Quang đã tích cực triển khai đồng loạt chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về giảm nghèo bền vững, xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tỉnh đã rà soát, xác định nguyên nhân nghèo để triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo sinh kế cho hộ nghèo với phương châm “hỗ trợ hộ nghèo chiếc cần câu thay vì con cá”. Từ nhiều nguồn lực, các chính sách giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh Tuyên Quang về giảm nghèo, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế mới giúp người dân nâng cao thu nhập

Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh Tuyên Quang về giảm nghèo, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế mới giúp người dân nâng cao thu nhập

Gia đình anh Tráng A Linh, thôn Chẩu Quân, xã Bình An, huyện Lâm Bình trước đây rất khó khăn. Sau khi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh đã đầu tư chuồng trại, mua con giống; được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, mô hình phát triển hiệu quả, mang lại cho gia đình khoản thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Anh Nông Văn Tiến, thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa, huyện Na Hang cho biết, sau khi được tham gia lớp sửa chữa máy nông nghiệp anh đã tự tin đầu tư mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Cùng với phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, các cấp, các ngành của Tuyên Quang cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Có thể kể đến như tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm để tăng thu nhập cho người dân; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tạo sinh kế cho người dân qua các chương trình cho vay vốn ưu đãi; thực hiện hiệu quả Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát, tạo động lực để người nghèo an cư, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống...

Theo kết quả rà soát năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang còn 40.522 hộ nghèo, chiếm 18,9%. Trong năm 2023, dự kiến toàn tỉnh giảm 3,51% hộ nghèo, tương đương 7.502 hộ xuống còn 33.020 hộ, từ 18,9% xuống còn 15,39%.

Lồng ghép các chương trình, dự án

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn 40.522 hộ nghèo, chiếm 18,90%. Số hộ nghèo tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% và hoàn thành xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng “lõi nghèo” của tỉnh như Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa…

Tại Kỳ họp chuyên đề thứ 4, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX đã thông qua Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; một số nội dung và mức chi giảm nghèo về thông tin thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân cho biết: đây là chương trình an sinh xã hội lớn, mang tính nhân văn sâu sắc. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch. Các địa phương cần chủ động phối hợp các đơn vị chức năng rà soát, lựa chọn, lập danh sách các hộ gia đình khó khăn về nhà ở trong diện được hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn…

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nhằm giúp các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Đơn cử như Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 1.7.2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 1.7.2022 về phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022…

Mục tiêu tỉnh Tuyên Quang đặt ra, việc giảm nghèo phải gắn với thực tế, giảm nghèo đến đâu chắc đến đó. Việc hỗ trợ cho các hộ nghèo được triển khai từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ.

B. HỢP

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/khai-thac-tiem-nang-loi-the-de-giam-ngheo-nhanh-ben-vung-i334979/