Khai thác tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao để phát triển du lịch
So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Phú Giáo có sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) khá mạnh với nhiều mô hình có quy mô lớn đã sớm hình thành, phát triển. Đây là lợi thế, tiềm năng lớn để huyện khai thác phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Nhiều tiềm năng
Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao không chỉ là hướng phát triển kinh tế nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao mà còn có thể kết hợp khai thác phát triển du lịch. Những mô hình NNCNC, những vườn cây trái trĩu cành, những luống rau củ quả xanh mướt… luôn có sức hút mạnh đối với khách du lịch. Tất cả những điều này hiện nay trên địa bàn huyện Phú Giáo đều đã có sẵn và đang chờ cơ hội để có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, toàn huyện hiện có hơn 44.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất NNCNC chiếm gần 1.360 ha. Tính đến quý I-2022, trên địa bàn huyện hiện có 309 cơ sở, hộ sản xuất NNCNC (tăng 108 cơ sở so với cùng kỳ năm 2021), bao gồm: 233 trang trại trồng trọt và 76 trang trại chăn nuôi. Đây là những tiềm năng sẵn có để Phú Giáo khai thác, phát triển du lịch huyện nhà trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, nhiều người dân Phú Giáo đã mạnh dạn đầu tư trang trại có quy mô lớn theo hướng sản xuất NNCNC, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và tham gia vào chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị nông sản theo hướng phát triển bền vững. Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế huyện tiếp tục phát triển ổn định. Điển hình như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần NNCNC U&I tại xã An Thái có quy mô 411 ha. Ngoài mục tiêu cơ bản là ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp để có chất lượng và năng suất vượt trội, có thương hiệu uy tín, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn giữ vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật… Vì thế, trong thời gian qua nơi đây đã trở thành địa điểm thu hút nhiều khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có những mô hình NNCNC như trang trại Chiến Thắng, Hợp tác xã Dưa lưới Kim Long, trang trại cây ăn trái Lâm Vũ - Võ Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương và các vườn cây ăn trái được đầu tư bài bản, có nhiều tiềm năng khai thác phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.
Khai thác phát triển du lịch
Lợi thế của huyện Phú Giáo là có tuyến giao thông huyết mạch ĐT741 kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Đây là điều rất thuận tiện để các du khách đến với Phú Giáo. Phú Giáo còn là vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển ngành NNCNC theo hướng sản xuất hàng hóa đa dạng. Đây cũng là tiềm năng để địa phương khai thác gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết hiện nay huyện Phú Giáo đang triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp nói chung, NNCNC nói riêng, gắn với phát triển du lịch sinh thái bằng việc tận dụng các điểm đến du lịch sinh thái trên địa bàn, vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn; mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, huyện đã phối hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Xây dựng làng thông minh dựa trên mô hình NNCNC kết hợp du lịch sinh thái” tại ấp Gia Biện, xã Tam Lập. Đây là đề án thí điểm của huyện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện.
Trao đổi thêm về định hướng phát triển du lịch huyện Phú Giáo trong thời gian tới, ông Nghĩa cho hay hiện nay huyện Phú Giáo đang xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2022- 2025, trong đó phân tích sâu tiềm năng, lợi thế, các nhóm giải pháp thực hiện từng giai đoạn và định hình những sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc trưng, liên kết nội tỉnh và liên kết vùng để từng bước khai thác du lịch. Một trong những định hướng phát triển du lịch được địa phương chú trọng đó là phát triển sản xuất NNCNC theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến nông sản và phát triển vùng nguyên liệu kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch.
Dự kiến trong tháng 6 tới đây, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện sẽ tổ chức đợt khảo sát khu, điểm du lịch, phối hợp với tọa đàm đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các sản phẩm du lịch, thiết kế tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện, trong đó có du lịch NNCNC. Song song đó, địa phương sẽ tiếp tục nâng chất toàn diện hệ thống giao thông nông thôn lên một tầm cao mới, phát huy các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, lịch sử, tâm linh và kêu gọi đầu tư các loại hình du lịch giải trí, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện.