Khai thác tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Tuy không phải là hướng đi mới, nhưng phát triển nông nghiệp xanh kết hợp với làm du lịch sinh thái vẫn còn khá mới mẻ với nhiều hộ dân. Xét về tiềm năng phát triển, Hà Nam không phải là không có, vấn đề là, làm thế nào để khai thác, phát huy lợi thế để có những sản phẩm du lịch chất lượng từ sản xuất nông nghiệp.
Giới thiệu sản phẩm tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Xuân Khê (Lý Nhân). Ảnh: Thành Nam
Khai thác thế mạnh về trồng hoa, trong một vài năm trở lại đây, nhiều nhà vườn ở xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) đã thu hút được khách đến tham quan những vườn hoa hồng rực rỡ. Nhà vườn không thu tiền, không cung cấp bất kỳ một dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng nào, mục đích đón khách của các nhà vườn chỉ nhằm quảng bá và bán sản phẩm.
Anh Vũ Ngọc Đồng- một trong số ít những nhà vườn ở Phù Vân bước đầu thành công về đầu tư sản xuất, kinh doanh hoa hồng chia sẻ: Mỗi năm, chúng tôi đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan nhà vườn. Có khách đến nhà vườn muốn trải nghiệm không gian làng quê, có khách muốn ngắm hoa hồng, chụp ảnh và có khách đến mua cây giống, hỏi về cách trồng và chăm sóc hoa hồng… Chúng tôi tạo điều kiện cho khách trải nghiệm, chụp hình lưu niệm một cách thoải mái nhất. Phải nói rằng, nhờ một phần sự quảng bá từ khách đến thăm vườn mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi tốt hơn.
Xã Phù Vân nằm trong quy hoạch phát triển du lịch sinh thái của thành phố Phủ Lý. Phù Vân có một số nhà vườn, HTX đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa và cây cảnh, tuy vậy, chưa có một mô hình nào phát triển một cách bài bản. Anh Vũ Ngọc Đồng cũng tính đến việc tạo hiệu ứng hình ảnh bằng những cổng hoa, tường hoa mà chỉ toàn hoa hồng để đáp ứng nhu cầu chụp hình lưu niệm cho khách, giữ những loại hoa hồng quý, nhiều năm tuổi để làm điểm nhấn cho khu vườn. Nhưng để khách lưu trú, ăn uống và nghỉ dưỡng, một hộ gia đình anh Đồng chưa thể làm được mà cần có sự hợp tác đầu tư kết hợp từ nhiều phía, trong đó có các nhà vườn.
Cũng như các loại hình du lịch khác, để làm được du lịch nông nghiệp, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là hiểu rõ khả năng cung cấp dịch vụ gì cho khách, khách cần gì trong những điểm đến. Nắm chắc nhu cầu và khả năng cung cấp có thể mở rộng thêm các dịch vụ lưu trú mới, tăng nguồn thu. Hiện nay, ở xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với đón khách tham quan trải nghiệm quy trình sản xuất, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, cũng như ở Phù Vân, những mô hình này đều hoạt động đơn lẻ, quy mô nhỏ và mang tính chất tự phát.
Tháng 12/2019, khi làm việc với Sở NN&PTNT về thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã gợi mở cho ngành nông nghiệp xem xét khả năng về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, nhất là ở những địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Sở NN&PTNT sẽ nghiên cứu về vấn đề này và có giải pháp, kế hoạch thực hiện cho phù hợp. Trước mắt có thể khai thác những mô hình đã có hoặc đang xây dựng ở những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi, có sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Bà Lê Thị Phượng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng nhận định: Du lịch nông nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển. Trên địa bàn huyện Kim Bảng đang có một số mô hình có thể phát triển theo hướng này, như dự án trồng hoa ở xã Thụy Lôi, mô hình nuôi cá “sông trong ao” ở xã Thanh Sơn… Yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển chính là cần có nhà đầu tư xây dựng các mô hình một cách bài bản.
Không giống như du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian và không gian để phù hợp với điều kiện ở địa phương. Trên thực tế, mô hình này không cạnh tranh với các loại hình du lịch khác. Nếu cùng phát triển với trách nhiệm bảo vệ môi trường, thì sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác sẽ tạo điều kiện cho du lịch ở nông nghiệp phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ thì dễ phát sinh những bất cập. Chính vì vậy, việc cộng đồng tham gia phát triển du lịch nông nghiệp đang được khuyến khích.
Chia sẻ những vấn đề có liên quan, nhiều ý kiến từ các nhà quản lý và giới chuyên môn cho rằng, so với nhiều tỉnh khác, tỉnh ta “đi sau” về phát triển du lịch nông nghiệp. Nếu chọn hướng này để đầu tư thì phải có kế hoạch bài bản ngay từ đầu. Khâu khảo sát, đánh giá tài nguyên, dịch vụ và hạ tầng du lịch, phân tích thị trường và sản phẩm cần được quan tâm sâu để xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn. Đi cùng với đó là giải pháp đầu tư đào tạo về phát triển nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Vì, điểm yếu lớn nhất của nhiều mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay chính là thiếu kiến thức chuyên môn về du lịch. Nên làm thí điểm, phát triển một số mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp rồi mới nhân rộng. Phát triển du lịch nông nghiệp cần được đặt trong mối quan hệ với du lịch cộng đồng. Bởi, không phải một nhà, một hộ có thể làm được du lịch, mà cộng đồng phải cùng chung sức tạo nên hình ảnh đẹp, sự gắn kết của cộng đồng sẽ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, tạo nên tính đặc trưng cho sản phẩm du lịch địa phương.
Du lịch là ngành “công nghiệp không khói”, có tính đặc thù. Trong điều kiện có tiềm năng, có tài nguyên mà không được khai thác, phát triển được xem như là lãng phí, bỏ lỡ cơ hội. Đất nông nghiệp ở tỉnh ta ngày càng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp đang phải cơ cấu lại, chọn lựa phát triển du lịch nông nghiệp là một giải pháp, hướng đi để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, để phát triển du lịch nông nghiệp chỉ có sự tham gia của ngành nông nghiệp thôi thì chưa đủ mà cần có sự phối hợp của nhiều ngành, địa phương và chủ thể là nhân dân.
Bích Huệ
Bích Huệ, Mạnh Hùng