Khai thác tiềm năng, thế mạnh nghề thủ công
Là một phần kiến tạo nên vẻ đẹp văn hóa của Hà Nội, các khu phố nghề nằm trong '36 phố phường' trải qua nhiều biến của lịch sử, mang theo dấu ấn của các ngành nghề thủ công, trường tồn cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng, phố nghề đã có những thay đổi đáng kể. Vậy làm thế nào phát huy những thay đổi tích cực, hạn chế tiêu cực để khai thác tiềm năng và thế mạnh của nghề thủ công Hà Nội?
Khó khăn phố nghề
Phường Hàng Bạc thuộc quận Hoàn Kiếm nằm ở phía Nam khu Phố cổ Hà Nội, tiếp giáp với hồ Hoàn Kiếm, nổi tiếng với các ngành nghề truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ, may áo dài truyền thống, đồ lưu niệm và y học cổ truyền dân tộc, và đặc biệt là nghề kim hoàn. Hiện nay, tại phố Hàng Bạc, người buôn bán và thợ thủ công tâm huyết vẫn duy trì phố nghề, hoạt động mua bán, trao đổi vàng bạc, trang sức vẫn đang diễn ra hàng ngày hết sức sôi động.
Ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội cho biết, điều này không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn đem lại giá trị văn hóa khi thông qua du lịch lan tỏa được những nét đặc trưng truyền thống của làng nghề Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế, người thợ kim hoàn ngày nay còn gặp nhiều khó khăn, công sức làm nghề chưa được trả thù lao thỏa đáng, chưa khuyến khích được thế hệ kế cận tiếp tục theo nghề và nối nghiệp.
Còn ở phường Hàng Gai - một trong 10 phường thuộc Phố cổ, những ngành nghề truyền thống thủ công lâu đời vẫn còn gìn giữ như hàng tơ, lụa, thêu, may quần áo lễ hội, gò, hàn tôn thiếc, gương kính… Trong đó có những ngành nghề truyền thống thủ công phát triển thịnh vượng. Nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Hàng Gai vẫn còn được một số ít người dân tiếp tục gìn giữ, phát triển, trung thành với phương thức “vừa làm sản phẩm vừa kinh doanh” tuy không còn tấp nập như xa xưa. Mặt khác, một số hộ dân kinh doanh đã chuyển đổi, mở rộng, thay thế dần mặt hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đa số các cửa hàng đều là giới thiệu giao dịch buôn bán sản phẩm phục vụ thị trường người tiêu dùng nội địa, chứ không còn vừa sản xuất, vừa kinh doanh như trước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân như: Đất chật người đông, nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng cũng thay đổi, như vật dụng gia đình làm từ tôn sắt thay bằng đồ nhựa; thêu tay chuyển sang thêu máy công nghiệp… Đồng thời, kinh tế thị trường mở cửa cho những sản phẩm truyền thống đã được nhiều nơi khác kinh doanh có điều kiện thâm nhập vào phường Hàng Gai.
Cùng tồn tại trong “36 phố phường”, bên cạnh Hàng Gai, Hàng Bạc, thì Hàng Mã mặc dù vẫn là nơi buôn bán các sản phẩm vàng mã, đèn Trung thu… nhưng văn hóa sản xuất của một thời nay không còn nhiều. Sở dĩ hiện nay, các mặt hàng thủ công truyền thống không được làm trực tiếp tại cửa hàng bởi hai lý do chính: Thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu độ chuyên nghiệp của nghề. Bên cạnh đó, hiện nay đội ngũ lao động ở phố Hàng Mã tương đối trẻ, nên không chuyên nghiệp trong sản xuất. Chính vì vậy mà ở phố Hàng Mã hiện nay, kỹ thuật sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống gần như không còn.
Để nghề thủ công có chỗ đứng nơi đô thị
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao quát 12 lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch, văn hóa... và gồm cả thủ công mỹ nghệ vốn là thành tố quan trọng của văn hóa, là nền tảng cho đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa.
Về phía thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Thành ủy khóa XVII về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển”.
Trong nhiều năm qua, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị của nghề thủ công truyền thống dưới góc độ tài nguyên du lịch, văn hóa kết hợp mua sắm cho du khách trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó kết hợp với đa dạng hình thức tổ chức các tour du lịch kết nối trên cơ sở hạt nhân là các di tích lịch sử văn hóa. Khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề, phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu Phố cổ Hà Nội (phố hàng), thúc đẩy tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội vẫn còn là một hành trình dài cần sự chung tay của chính quyền, xã hội và ngay chính những nghệ nhân phố nghề.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khai-thac-tiem-nang-the-manh-nghe-thu-cong-156442.html