Khai thác titan: Cần gắn với chế biến sâu

Trong quá trình hoạt động của lĩnh vực đặc thù như khai thác titan, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn lao động, môi trường khu vực mỏ, gắn khai thác chế biến sâu để đem lại hiệu quả.

Còn 3 doanh nghiệp khai thác titan

Trải dài ven biển thuộc 2 xã Thuận Quý, Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, mỏ titan – zircon Nam Suối Nhum diện tích hơn 515 ha với trữ lượng 2.343.159 tấn khoáng vật nặng đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép cho Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường trước đây, khai thác đến năm 2038. Công suất 117.345 tấn khoáng vật nặng/năm. Đến nay đơn vị này đã tác động khai thác khoảng 120 ha tại 3 khai trường; tổng sản lượng khoáng sản khai thác hơn 400.000 tấn khoáng vật quặng.

Công nghệ khai thác titan của Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh tại mỏ Thiện Ái (Bắc Bình).

Công nghệ khai thác titan của Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh tại mỏ Thiện Ái (Bắc Bình).

Cùng với đó, mỏ titan khu vực Thiện Ái 2 tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình do Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh hoạt động khai thác từ năm 2013 đến nay, với công suất khai thác 3.186 tấn khoáng vật nặng/năm. Còn ở mỏ sa khoáng titan – zircon khu vực Thiện Ái tại hai xã Hòa Thắng, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình được Công ty Cổ phần Sản xuất Zircomnium và Titannium Hưng Thịnh bắt đầu khai thác từ năm 2020 đến nay. Công suất khai thác 24.000 tấn khoáng vật nặng/năm. Hai công ty Đức Cảnh và Hưng Thịnh khai thác diện tích mỏ Thiện Ái hơn 400 ha. Tổng số nộp ngân sách nhà nước của 3 doanh nghiệp khai thác titan trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm nay gần 245 tỷ đồng.

 Moong khai thác mỏ titan của Công ty Hưng Thịnh

Moong khai thác mỏ titan của Công ty Hưng Thịnh

Với hoạt động đặc thù, khai thác diện tích rộng lớn, các hố moong sâu đãi quặng, cần phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật, khai thác đúng thiết kế mỏ, đảm bảo an toàn lao động. Sự cố mỏ Nam Suối Nhum do Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường khai thác vào ngày 15/10/2022 là cảnh báo đối với các doanh nghiệp khai thác titan. Hiện khu vực 2 (dài 1,1 km) mỏ Nam Suối Nhum đang tạm ngưng khai thác bởi liên quan sự cố trên. Công ty Tân Quang Cường đang rà soát lại hồ sơ pháp lý dự án, kết luận của Đoàn điều tra tai nạn lao động, báo cáo kế hoạch khai thác, hoàn thổ, gửi sở ngành, huyện Hàm Thuận Nam góp ý, báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện khu vực xảy ra sạt lở gần 2 năm qua.

Đầu tư công nghệ chế biến sâu

Khu vực mỏ Thiện Ái tại Bắc Bình, trong lần giám sát trước đây, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: “Hai công ty Hưng Thịnh, Đức Cảnh huy động nguồn vốn, ưu tiên đầu tư công nghệ chế biến sâu titan, nâng cao hiệu quả khai thác khoáng vật nặng, xuất khẩu đem lại hiệu quả cao hơn. Còn trong quá trình tuyển quặng titan dưới các hố moong sâu rộng, đồi cát thải bên trên, quản lý mỏ bố trí đội giám sát, đảm bảo an toàn công nhân”. Từ trước đến nay, 3 doanh nghiệp titan được cấp phép khai thác 915 ha trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ yếu xuất thô, chưa đem đến nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh hàng năm.

Trong khuôn khổ liên quan khai thác titan ở Bình Thuận, TS. Lương Thanh Sơn, Chủ tịch các Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật tỉnh cho rằng: “Phần lớn diện tích các khu vực quy hoạch, thăm dò, khai thác titan nằm trong các đồi cát ven biển, hạn chế nguồn nước ngọt, điều kiện không thuận lợi; việc khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua chưa đem lại hiệu quả cao. Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vốn cho công nghệ chế biến sâu khoáng sản titan; đề xuất định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu lĩnh vực này tại Bình Thuận hài hòa với các lĩnh vực khác. Việc khai thác khoáng sản titan đi đôi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; khu vực nào ảnh hưởng đến dân sinh, không an toàn mỏ, không đảm bảo nguồn nước thì đưa vào dự trữ quốc gia”.

“Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; qua xem xét một số khu vực đã được quy hoạch thăm dò, khai thác titan trước đây, được đưa ra ngoài quy hoạch với tổng diện tích 4.126 ha để phát triển kinh tế, xã hội đối với các lĩnh vực khác”.

T. KHOA

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khai-thac-titan-can-gan-voi-che-bien-sau-123274.html