Khai thác tối đa dư địa cho tăng trưởng
Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu ngân sách Nhà nước… tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm chính là những yếu tố tạo đà cho tăng trưởng cả năm 2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, 6 tháng cuối năm, các địa phương cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng; đồng thời, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế.

Dây chuyền sản xuất mô đun camera và linh kiện điện tử xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH MCNEX VINA (100% vốn Hàn Quốc), khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng của các nước. Bên cạnh đó, sự gia tăng bất ổn về địa chính trị và xung đột quân sự lan rộng ở nhiều quốc gia; căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thực tế này khiến nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 so với dự báo đưa ra trước đó. Tương tự, các dự báo tăng trưởng với hầu hết các quốc gia cũng được điều chỉnh giảm. Ngay với khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Philippines đạt 5,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với năm trước; Indonesia đạt 4,7%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 1,8%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm; riêng Việt Nam đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, các nỗ lực phát triển kinh tế của nước ta vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ và ghi nhận đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 ước tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025. Tính chung 6 tháng, GDP nước ta ước tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây được ghi nhận là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính nhận định, 6 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7,52% đã xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật ở quý I/2025. Điều này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế", bà Hương cho hay.
Đánh giá dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Ban Hệ thống tài khoản Quốc gia, Cục Thống kê cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng… đang được thúc đẩy triển khai.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, mang tính chiến lược thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững. Sự bùng nổ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ 1/7 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%; trong đó, quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8%, thực sự còn nhiều thách thức phía trước. Xung đột chính trị giữa các quốc gia, chính sách thuế đối ứng của Mỹ và một vài yếu tố khác nữa có thể tạo ra những "biến số" khó lường. Thực tế này đòi hỏi các động lực tăng trưởng phải tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, tiếp đà tăng trưởng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng cũng đã nêu rõ yêu cầu cần tăng tốc, tập trung huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; đồng thời, tăng tốc mạnh mẽ, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025.
Về phía Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, kịp thời thực thi các giải pháp nhằm giữ nhịp và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ tiếp tục đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo, vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp. Rà soát loại bỏ tất cả các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương cần nắm bắt xu hướng, tận dụng thời cơ, phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng là giải pháp quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo; khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu thay thế lượng suy giảm đối với thị trường Mỹ; đồng thời, cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; tập trung phát triển xuất khẩu dịch vụ nhằm xử lý thực trạng nền kinh tế luôn nhập siêu dịch vụ, đặc biệt thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ mấy năm gần đây luôn ở mức cao.
Bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Ban thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, Cục Thống kê sẽ liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, từ đó đề xuất với Chính phủ thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, tình hình quốc tế và khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước; đảm bảo nguồn cung với mức giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ đồng hành cùng Quốc hội cần khẩn trương thể chế hóa, ban hành chính sách, giải pháp triển khai nhanh, hiệu quả Bộ tứ trụ cột chiến lược tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các thành phần kinh tế phát triển minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường khả năng ứng phó với biến động toàn cầu, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.