Khai thác tối đa lợi thế vùng Đồng bằng sông Hồng để thu hút FDI

Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, vùng Đồng bằng sông Hồng có số vốn đầu tư nước ngoài cao nhất 9 tháng năm 2024. Cụ thể, tổng vốn đăng ký đạt 11,87 tỷ USD với 843 số dự án cấp mới và 6,61 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới. Một số tỉnh đã và đang khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số vốn đầu tư nước ngoài cao nhất với tổng vốn đăng ký đạt 11,87 tỷ USD với 843 số dự án cấp mới và 6,61 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới. Về vốn đăng ký điều chỉnh có 447 dự án tăng vốn và 4,29 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm. Trong 9 tháng vừa qua, có 327 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 960,9 triệu USD. Tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi phía Bắc…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,47 lần cùng kỳ. Hà Nội thu hút 1,5 tỷ USD; Hải Phòng có 985 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 31 tỷ USD. Tổng vốn FDI thu hút được trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024 đạt hơn 1,78 tỷ USD; Hải Dương đã thu hút trên 353,8 triệu USD; Hưng Yên có 584 dự án có vốn FDI đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 7,6 tỷ USD; Vĩnh Phúc tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài.

Mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng đều đang chọn hướng đi riêng nhằm khai thác lợi thế so sánh trong thu hút FDI. (Ảnh minh họa)

Mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng đều đang chọn hướng đi riêng nhằm khai thác lợi thế so sánh trong thu hút FDI. (Ảnh minh họa)

Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng. Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp 1.586 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 269.786,131 tỷ đồng. Quy mô thu hút vốn đầu tư đến nay đạt trên 35 tỷ USD. Hiện, Bắc Ninh được nhiều tập đoàn lớn rót vốn đầu tư, trong đó thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) bán dẫn.

Tháng 10/2023, "ông lớn" bán dẫn Amkor đã khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh). Với diện tích lên tới 230.000 m2 và tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất của hãng tính tới thời điểm hiện tại. Tại đây sẽ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các công ty lớn như Apple, Nvidia, Foxconn… Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chính sách hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của tỉnh trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Hà Nội đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, tháng 9/2024, Hà Nội thu hút 67,9 triệu USD vốn FDI. Tính chung 9 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI. Để có những kết quả trên, TP Hà Nội thường xuyên duy trì được sức hút, tỏ rõ tiềm năng trong mắt giới đầu tư, nhất là những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng với sự cải thiện, nâng cấp nhanh chóng về số lượng công trình giao thông. Đặc biệt, lãnh đạo TP Hà Nội luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nhà đầu tư.

Tại Hưng Yên, tính riêng trong 9 tháng năm 2024, tỉnh thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 1,7 tỷ USD, đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là Nhật Bản có 147 dự án, với vốn đăng ký là 3,6 tỷ USD, chiếm 54% tổng số vốn đăng ký; Trung Quốc có 70 dự án, với vốn đăng ký 957 triệu USD, chiếm 15% tổng số vốn đăng ký; Hàn Quốc 63 dự án với vốn đăng ký 650 triệu USD, chiếm 10% tổng số vốn đăng ký... Để đạt được kết quả này, Hưng Yên đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho DN. Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024.

Khai thác lợi thế, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

UBND tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu và có cơ sở để thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024. Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.

Ông Vương Quốc Tuấn cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) trong khu vực Đông Nam Á, trong các bước đi hiện thực hóa mục tiêu đó, Bắc Ninh xác định nhiệm vụ chiến lược đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn toàn cầu.

Để tăng cường sức hút đầu tư vào tỉnh, Hưng Yên luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển và tôn trọng lợi ích của DN bằng việc chỉ đạo cải cách hành chính, hỗ trợ kịp thời cho DN về thuế, đầu tư, xây dựng, đất đai, đào tạo lao động... Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp...

UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Theo ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, TP Hà Nội luôn quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô mới còn mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Đơn cử, với DN đầu tư vào các lĩnh vực được xác định "ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược" sẽ được thành phố miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời, được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập DN; trong đó, được miễn thuế thu nhập DN trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/khai-thac-toi-da-loi-the-vung-dong-bang-song-hong-de-thu-hut-fdi-i747634/