Khai thác tốt tiềm năng thị trường châu Á, châu Phi

Nửa đầu năm, khu vực châu Á, châu Phi chiếm 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.Đáng chú ý là xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Công Thương tổ chức ngày 14/7, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố sáng tối đan xen, nhiều khó khăn nhưng cũng không ít thuận lợi. Thuận lợi là dịch Covid-19 được kiểm soát ở phần lớn các nước, kinh tế và nhu cầu tiêu dùng bước đầu phục hồi.

Tuy nhiên, một loạt vấn đề xảy ra như xung đột Nga - Ucraina, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, lạm phát gia tăng... Trong bối cảnh đó, đáng mừng là Việt Nam vẫn đạt được thành tích tốt về phát triển thị trường. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm đạt 371,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu đạt 186 tỷ USD, tăng 17,3%. Xuất siêu hơn 712 triệu USD. Riêng khu vực Á-Phi chiếm 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đáng chú ý là xuất khẩu của ta sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh (Hàn Quốc 17,1%, Nhật Bản 12,9%, Đài Loan 21%, Đông Nam Á 26,9%, châu Đại Dương 30%, Nam Á 33%).

Bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Công Thương

Bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Công Thương

Để có được các kết quả đáng khích lệ như trên, Bộ trưởng và các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã rất quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong công tác phát triển thị trường nước ngoài, không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu mà còn phù hợp với diễn biến sản xuất, tiêu thụ của thị trường trong nước. Trong đó, Vụ châu Á, châu Phi cũng đã được Bộ trưởng chỉ đạo triển khai một loạt các nhiệm vụ, phản ứng nhanh.

Cụ thể, thứ nhất, thiết lập cơ chế hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng với Trung Quốc: Bộ trưởng đã có hàng chục thư giao dịch với các Bộ đối tác, các địa phương biên giới phía Trung Quốc. Ở cấp Vụ cũng đã có một loạt các cuộc họp với Lãnh đạo Sở Thương mại các tỉnh biên giới phía Trung Quốc…

Thứ hai, hỗ trợ khai thông ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc thông qua một loạt các chuyến công tác của Bộ trưởng; lập Tổ Công tác đặc biệt để giải quyết ùn tắc nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc; thúc đẩy và hướng dẫn việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Thứ ba, phản ứng nhanh trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng về các loại nguyên vật liệu chiến lược như đi UAE và Lào để kết nối nguồn cung xăng dầu và than đá; làm việc với Đại sứ Úc, Đại sứ Nam Phi, Hội đồng Khoáng sản Úc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi để tìm nguồn cung than đá và LNG...

Thứ tư, quyết liệt đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA, nhất là Hiệp định RCEP mới đi vào hiệu lực từ năm 2022 với một loạt các Hội nghị phổ biến cơ hội của RCEP đối với từng thị trường xuất khẩu (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…).

Mặc dù kết quả 6 tháng đầu năm là khá tích cực, song bà Lê Hoàng Oanh vẫn nhấn mạnh, phải hết sức nỗ lực mới có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu được Chính phủ giao do tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất phức tạp. Lạm phát tăng cao ở hầu như tất cả các nước trên thế giới, giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng, giá vận chuyển đứng ở mức cao, nhu cầu có xu hướng suy giảm ở một số thị trường quan trọng, Trung Quốc dự kiến sẽ còn kiên trì chính sách Zero Covid đến hết năm 2022 (sau Đại hội Đảng).

Bộ Công Thương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc

Bộ Công Thương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, để góp phần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong nửa cuối năm 2022, Vụ châu Á, châu Phi dự kiến tiếp tục tập trung vào một số định hướng công việc cụ thể.

Theo đó, thường xuyên bám sát diễn biến nhu cầu, giá cả của các thị trường xuất khẩu trọng điểm để khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp điều chỉnh phù hợp về kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, kịp thời nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế, thương mại của các nước thời kỳ hậu Covid-19 để đề xuất cho Bộ các giải pháp ứng phó, tận dụng phù hợp.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy việc chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc nông sản nhất là nông sản vào vụ thu hoạch; Thường xuyên theo dõi, đề xuất cải tiến các mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ thông suốt, không gián đoạn.

Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực như RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN...; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Đặc biệt, tập trung tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu mới từ Nam Á, Tây Á, Đông Bắc Á cho doanh nghiệp sản xuất trong nước để giảm thiểu rủi rõ đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo sản xuất, xuất khẩu liên tục, không gián đoạn.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khai-thac-tot-tiem-nang-thi-truong-chau-a-chau-phi-182957.html