Khai thác và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt
Những năm gần đây, trước sức ép đối với việc khai thác nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khiến nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh công tác quản lý nguồn nước vào mùa khô còn khó khăn, dễ thất thoát…
Khai thác và bảo đảm nguồn nước
Thiếu hụt nguồn nước cấp
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm) đang quản lý vận hành 38 công trình cấp nước (CTCN), với tổng công suất thiết kế 39.900 m3/ngày đêm, trong đó có 24 công trình cấp nước khai thác và sử dụng nguồn nước mặt từ hồ, đập, kênh, mương thủy lợi, sông, suối; 14 công trình cấp nước khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, giếng đào. Tổng công suất khai thác trung bình của các CTCN do Trung tâm quản lý tính đến nay trên 35.163 m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho trên 63.500 hộ khách hàng đấu nối trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài nên tình hình thiếu nước sinh hoạt cục bộ đã diễn ra ở hầu hết trên địa bàn trong tỉnh. Đơn cử một số khu vực có CTCN bị thiếu nước gồm các xã Hồng Phong, Phan Hòa, Phan Lâm, Phan Sơn (Bắc Bình), Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Phúc (Hàm Tân)…
Ngoài ra, các khu vực chưa được đầu tư CTCN bị thiếu nước gồm các xã Thuận Hòa, La Dạ (Hàm Thuận Bắc); Mương Mán, Tân Lập (Hàm Thuận Nam)… Riêng các CTCN do Trung tâm quản lý đã có 4 công trình cấp nước ngưng hoạt động hoàn toàn do nguồn nước thô từ các hồ thủy lợi và sông, suối bị cạn kiệt, gồm Ba Bàu, Suối Kiết, Đức Bình và Tân Minh; 12 CTCN phải cấp nước luân phiên… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và đời sống của nhân dân…
Cần các giải pháp đảm bảo nguồn nước
Trước những khó khăn, bất cập trong nguồn cấp nước, theo ông Lương Đăng Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới, Trung tâm kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương bố trí nguồn vốn triển khai đầu tư một số CTCN mới và nâng cấp, mở rộng các CTCN hiện có. Mặt khác, chỉ đạo đơn vị liên quan đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành CTCN Tân Xuân và Mương Mán đưa vào vận hành cấp nước trong tháng 11/2020. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhanh các danh mục CTCN còn lại đã được UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt để hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Về lâu dài, để đảm bảo cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu cho các khu vực dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, cần nghiên cứu phương án đầu tư các CTCN có công suất từ 5.000 - 15.000 m3/ngày đêm. Theo đó, vị trí xây dựng nhà máy nước kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn của tỉnh nhằm đảm bảo có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn, giúp các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục, tránh bị gián đoạn. Chẳng hạn như huyện Bắc Bình tập trung sử dụng nguồn nước từ hồ sông Lũy và hồ Cà Giây, huyện Hàm Thuận Bắc sử dụng nguồn nước từ hồsông Quao…
Bên cạnh đó, tại các vùng chưa có CTCN, cần khảo sát vị trí khoan giếng, đào giếng, tại những nơi không có nguồn nước ngầm phải đặt bồn nước cố định. Tại khu vực có nhà máy nước ngưng hoạt động, các địa phương lên phương án khảo sát đánh giá nhu cầu, xây dựng phương án cấp nước cho người dân khu vực này bằng hình thức điều tiết cấp nước luân phiên. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất là người dân nên sử dụng nước tiết kiệm, có phương án dự trữ và tìm kiếm các nguồn nước khác thay thế phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng sử dụng nước lãng phí cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ưu tiên cấp nước thô phục vụ sinh hoạt…