Khai thác và phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ

Lâm sản phụ ngoài gỗ trong các cánh rừng tại Lào Cai rất phong phú. Đây là những sản phẩm có thể khai thác thường xuyên, thị trường khá ổn định. Nếu có quy trình bảo vệ, khai thác hợp lý thì những lâm sản phụ này có thể mang lại thu nhập, sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng.

Mô hình trồng cây ba kích tím tại Mường Khương.

Mô hình trồng cây ba kích tím tại Mường Khương.

Tỉnh Lào Cai có hơn 354.000 ha rừng, trong đó có 268.000 ha rừng tự nhiên với phần lớn là rừng già tự nhiên nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh. Dưới tán rừng già có nhiều lâm sản phụ như sa nhân, thảo quả, măng, nấm, mộc nhĩ, lá dong, mật ong, các loại dược liệu, song, mây… để cung cấp cho người dân thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dầu, nhựa và các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm. Từ lâu, những lâm sản ngoài gỗ nói trên là nguồn sinh kế chủ yếu của người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2019, sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ trên 130.000 tấn, giá trị hơn 100 tỷ đồng. Qua khảo sát cho thấy, thu nhập từ lâm sản phụ chiếm từ 15% đến 20% trong kinh tế hộ gia đình sống gần rừng. Thực tế việc khai thác không có kiểm soát diễn ra rất phức tạp khiến nhiều loài lâm sản phụ giảm sút, tài nguyên rừng bị suy kiệt; nhiều loài dược liệu quý có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu cứ khai thác trắng mà không gắn với bảo tồn và phát triển. Để hài hòa lợi ích giữa người dân và công tác bảo vệ rừng, các ngành chức năng và các địa phương đã có những giải pháp như xây dựng phương án khai thác bền vững các loài lâm sản ngoài gỗ; xây dựng các mô hình trồng xen với mật độ phù hợp các loài cây lâm sản ngoài gỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, như trồng cây ba kích tím, sa nhân, sơn tra, cây thuốc tắm…

Huyện Văn Bàn có hơn 84.000 ha rừng, trong đó có hơn 41.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Đây phần lớn là rừng già tự nhiên nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh, cung cấp nguồn lâm sản phụ đa đạng, phong phú, nổi bật là măng vầu. Huyện Văn Bàn có hơn 2.500 ha rừng hỗn giao có phân bố cây vầu, sản lượng khai thác măng ước đạt 1.800 tấn/năm, giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, cho nguồn thu hơn 12 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân sống gần rừng, tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia bảo vệ rừng bền vững.

Tuy nhiên, một thời gian dài việc khai thác măng không có quy chế cụ thể khiến suy giảm sản lượng măng. Trước những bất cập trên, từ năm 2018, huyện Văn Bàn đã xây dựng phương án quản lý, khai thác, sử dụng măng vầu bền vững. Phương án quy định rõ thời vụ, thời điểm khai thác, kỹ thuật khai thác để đảm bảo sinh trưởng, phát triển của cây vầu và không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng. Nhờ đó, diện tích vầu và hệ sinh thái dưới tán rừng vầu được bảo tồn khai thác hợp lý, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, vừa bảo vệ bền vững rừng.

Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Hà lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật khai thác thí điểm nhựa thông mã vĩ. Qua quản lý, giám sát khai thác theo hồ sơ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với 45,51 ha; 14.568 cây, sản lượng trên 15 tấn, trung bình đạt 16,4 kg/cây/năm, thu về hơn 100 triệu đồng. Việc khai thác trên không làm ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng, phát triển của cây và vẫn giữ nguyên diện tích rừng.

Lâm sản phụ đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân sống gần rừng.

Lâm sản phụ đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân sống gần rừng.

Cũng từ năm 2017, một doanh nghiệp đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh nghiên cứu cây bồ đề tại huyện Văn Bàn và phát hiện tiềm năng lớn về sản xuất nhựa cánh kiến trắng từ cây bồ đề. Qua thí điểm có thể kết luận sơ bộ nhựa cánh kiến trắng là sản phẩm lâm sản phụ tiềm năng. Ước tính 1 ha bồ đề có thể cho thu hoạch ổn định từ 40 đến 90 triệu đồng/năm. Như vậy, tiền bán nhựa cánh kiến trắng cao hơn nhiều so với trồng bồ đề lấy gỗ. Để phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai dự án trồng mới, cải tạo 105 ha rừng bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu và các chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng bền vững. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.800 ha cây bồ đề (từ 2 đến 5 năm tuổi), đây là nguồn nguyên liệu lớn cho sản xuất nhựa cánh kiến trắng.

Từ việc có quy chế, quy định rõ ràng về khai thác lâm sản phụ, người dân đã có ý thức hơn trong việc khai thác, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Một số mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ đã mở ra hướng phát triển mới, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng. Đơn cử như mô hình trồng cây ba kích tím tại huyện Mường Khương với hơn 1 ha triển khai từ năm 2018. Đến nay, cây ba kích tím sinh trưởng, phát triển tốt. Theo tính toán của các ngành chuyên môn, cây ba kích sẽ cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi với năng suất bình quân 2 - 3 kg củ/cây, giá bán khoảng 120.000 - 200.000 đồng/kg củ tươi. Với mật độ trồng khoảng 2.000 cây/ha, người trồng sẽ có nguồn thu hơn 500 triệu đồng/ha. Cây để càng lâu (khoảng 5 - 7 năm) thì củ càng to, doanh thu sẽ cao hơn. Cây ba kích tím thích hợp trồng trên đất nương đồi, ven các cánh rừng nên phù hợp tạo sinh kế cho hộ sinh sống gần rừng.

Ông Trần Văn Đằng, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát các loại lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn, xây dựng và thực hiện phương án quản lý, khai thác, sử dụng lâm sản ngoài gỗ phù hợp với tình hình tại địa phương, không để mang tính tự phát, phân tán. Kế hoạch khai thác đảm bảo phù hợp theo khả năng đáp ứng của tài nguyên rừng thực tế, không để dẫn tới một số lâm sản phụ bị khai thác cạn kiệt, tuyệt chủng, mất cân bằng sinh thái.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/khai-thac-va-phat-trien-ben-vung-lam-san-ngoai-go-z3n20200823080945741.htm