Khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc; xây dựng Đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình số 01/2020 của Tỉnh ủy về “Cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế”, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) trong toàn ngành thông qua các hội nghị giao ban, sinh hoạt chi bộ và trên Website của ngành.
Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết về cơ chế, chính sách như: Nghị quyết số 06/2020 về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 19/2020 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 20/2020 về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch, dự án để triển khai thực hiện, trong đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 708/2021 phê duyệt Đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành NN&PTNT.
Để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế, Sở NN&PTNT đã tập trung nguồn lực, bám sát các nhiệm vụ được giao, đề ra các giải pháp, lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Sở để triển khai thực hiện; tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách mới.
Tính hết tháng 7/2022, sở đã hoàn thành 4 nội dung, đề nghị bỏ ra khỏi danh mục 5 nội dung và đang tiếp tục thực hiện 6 nội dung xây dựng các Đề án, chương trình, kế hoạch cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế.
Nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 15 về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết; rà soát, thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.
Công bố, công khai kịp thời những thay đổi của bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên trang thông tin điện tử của Sở và tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở; xây dựng và ban hành kế hoạch CCHC.
Đến nay, Sở đã có 78 TTHC được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, 11 TTHC tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại các đơn vị thuộc Sở.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã tiếp nhận 23.313 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 23.268 hồ sơ trước và đúng hạn đạt 99,8%.
Nhờ linh hoạt triển khai các giải pháp, đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng của tỉnh đạt 95% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh, cơ giới hóa trong khâu làm đất bằng máy chiếm trên 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70% tổng diện tích.
Sản xuất chăn nuôi phát triển khá, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất.
Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) của tỉnh tăng 4,81% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (mục tiêu 1,5-2,0%/năm); tỷ lệ che phủ rừng đạt 25%, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Tiếp tục khai thông các nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế, thời gian tới, ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; từng bước mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến ở các nơi có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống, phù hợp với trình độ dân trí và trình độ KT-XH của từng vùng.
Triển khai các mô hình khuyến nông theo chuỗi từ sản xuất đến bảo quản, sơ chế và tiêu thụ nông sản; khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu nông sản chủ lực.
Cùng với đó, thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và các luật chuyên ngành để tăng cường đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chuỗi; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng và củng cố các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở; chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình thủy lợi theo định hướng thị trường.