Khai thông pháp lý là chìa khóa giúp Việt Nam thu hút FDI bền vững hơn
Việc các quy định còn nửa chừng và chưa có đủ hướng dẫn cho cơ quan địa phương khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa hiểu đầy đủ về vị thế hiện tại của Việt Nam trong việc phát triển bền vững, đại diện một doanh nghiệp FDI cho biết. Điều này đang hạn chế dòng vốn mới và sạch vào Việt Nam.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Chính phủ thời gian qua, nhưng các thành viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nhận thấy quy trình phê duyệt ở Việt Nam vẫn còn chậm, thủ tục hành chính còn mất thời gian, gây cản trợ hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội AmCham khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.
Đặc biệt, đây là thời điểm quan trọng sau khi Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện; cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam, ông John Rockhold nhấn mạnh tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 16/10.
Trong một thế giới biến động nhanh như hiện nay, việc nắm bắt xu thế là điều cần thiết. Môi trường đầu tư toàn cầu ngày càng theo hướng tiếp cận bền vững và toàn diện.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26 và cam kết với cộng đồng quốc tế về Trung hòa carbon đến năm 2050. Các bước triển khai ban đầu đã được thực hiện và sẽ còn cần thực hiện các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng các quy định còn nửa chừng và chưa có đủ hướng dẫn cho cơ quan địa phương khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa hiểu đầy đủ về vị thế hiện tại của Việt Nam trong việc phát triển bền vững.
Trong những năm qua, DEEP C đang thực hiện chuyển đổi hướng tới “địa điểm đầu tư bền vững". Tuy nhiên, việc DEEP C không thể bán lại nước thải đã qua xử lý do thiếu hành lang pháp lý cần thiết, khiến khu công nghiệp này buộc phải xả nước thải đã qua xử lý ra biển hay sông gần nhất.
Ông Bruno Jaspert cho rằng xem xét lại khuôn khổ pháp luật về nền kinh tế tuần hoàn và tái chế là cấp bách.
Rất nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính mới dựa trên tiêu chí ESG. Các nguyên tắc đó sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai kinh doanh. Đây là cơ hội cho Việt Nam để kết hợp các nguyên tắc này ở bước sơ khai của hệ thống báo cáo phi tài chính.
Điều này có thể ảnh hưởng tới các nhà đầu tư mới nhưng sẽ giúp Việt Nam là đất nước tiên phong phát triển bền vững – đất nước tạo lập xu hướng, từ đó sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn.
Mặc dù phát triển bền vững đã trở thành cụm từ mĩ miều trong thời đại ngày nay, tuy nhiên không nhiều người đề cập tới việc phát triển bền vững yêu cầu rất nhiều nỗ lực, công sức và chi phí.
Chủ tịch DEEP C đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đó.
Đồng thời kết hợp với việc áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cân nhắc các biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững mới và thống nhất tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính.
Nhiều bước đi theo định hướng đúng đã được thực hiện tuy nhiên chặng đường hướng tới trung hòa carbon còn dài. Theo ông Bruno Jaspert, cần có chiến lược để thúc đẩy các khu công nghiệp và doanh nghiệp FDI đầu tư cũng hướng tới mục tiêu này.
Ông cho biết sẵn sàng thử nghiệm các phương pháp hiện đại như sử dụng vật liệu nạo vét hoặc vật liệu thải không độc hại làm vật liệu san lấp để giải quyết bài toán thiếu nguyên vật liệu san lập hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là hệ thống pháp lý chưa rõ ràng nên có nhiều ý tưởng chưa triển khai được.