Khai thông thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dừa sẽ có bước tiến đột phá

Dừa tươi Việt Nam vừa được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc khiến địa phương, doanh nghiệp và nông dân trồng dừa đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của cây dừa, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều sự lo lắng.

Xuất khẩu dừa tươi chính ngạch có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD

Việt Nam đang có gần 200.000ha đất trồng dừa, sản lượng khoảng 2 triệu tấn và là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về sản xuất loại quả này. Các vùng trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sản phẩm này đã xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm ngoái, xuất khẩu dừa (quả tươi gọt vỏ và sản phẩm chế biến) đạt gần 243 triệu USD.

Khai thông thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dừa sẽ có bước tiến đột phá. Ảnh: TL

Khai thông thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dừa sẽ có bước tiến đột phá. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia, Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn đối với ngành dừa Việt Nam vì đây là thị trường có khoảng cách địa lý rất gần, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, nếu các doanh nghiệp khai thác tốt lợi thế mình có thì ngành dừa nước ta có thể thu thêm khoảng 300 triệu USD từ thị trường Trung Quốc. Vài năm nữa, ngành dừa Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan. Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch có thể kéo giá dừa tươi, dừa khô tại các vùng trồng ở nước ta lên mức cao và ổn định hơn.

Phân tích tài chính về hiệu quả tài chính của các cây công nghiệp Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào năm 2023 cho thấy, hàng năm năng suất dừa tươi đạt 30,5 tấn/ha, doanh thu 244 triệu đồng/ha, lãi 210 triệu đồng/ha.

Các địa phương, doanh nghiệp Việt tỏ ra rất phấn khởi khi thị trường 1,4 tỷ dân được khai mở. Ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre cho biết, hiện nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn. Việt Nam hiện đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Lợi thế của chúng ta là gần Trung Quốc, do đó nếu khai mở được thị trường này, xuất khẩu dừa sẽ có bước tiến đột phá.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Betrimex cũng khẳng định, với nguồn cung dồi dào, khi dừa Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất dừa trong nước chuyên nghiệp, quy chuẩn hơn.

Ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho hay, việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào đăng ký xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra tương lai rất tươi sáng cho ngành dừa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chú trọng đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, đa dạng sản phẩm

Cơ hội, tiềm năng là vậy, nhưng hiện nay ngành hàng dừa tươi còn đối mặt với nhiều thử thách. Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, có một thực tế là diện tích dừa được liên kết còn khá thấp nguyên nhân bởi quy mô trồng còn nhỏ lẻ, manh mún.

Phần lớn diện tích dừa tại Việt Nam do các nông hộ trồng, khiến việc tổ chức liên kết khó đảm bảo do mỗi hộ có quy trình canh tác và thu hoạch khác nhau. Việc chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng đồng đều mất nhiều thời gian.

Địa phương, doanh nghiệp nên thực hiện song song việc phát triển các vùng trồng dừa phục vụ xuất khẩu với đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic. Ảnh: TL

Địa phương, doanh nghiệp nên thực hiện song song việc phát triển các vùng trồng dừa phục vụ xuất khẩu với đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, ngành hàng còn thiếu hợp tác xã hoặc mô hình liên kết hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, công nghệ hỗ trợ chưa cao. Sự thiếu hụt này khiến việc thu gom, chế biến và vận chuyển dừa, cũng như phát triển, mở rộng liên kết diện tích trồng dừa gặp trở ngại.

Cuối cùng là vấn đề thiếu thông tin thị trường và định hướng sản xuất. Nhiều nông dân trồng dừa chưa hiểu được hết yêu cầu của thị trường nhập khẩu, dẫn đến việc sản xuất không theo tín hiệu thị trường, làm giảm hiệu quả kinh tế và khả năng liên kết...

Để khắc phục những tồn tại này và tận dụng cơ hội khai mở thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, việc cần làm ngay của các doanh nghiệp, địa phương là đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tăng cường hợp tác và áp dụng công nghệ mới. Những bước đi này sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm dừa chế biến và tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành dừa Việt Nam.

Trước mắt, địa phương, doanh nghiệp nên thực hiện song song việc phát triển các vùng trồng dừa phục vụ xuất khẩu với đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic. Trong dài hạn, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ dừa. Với lợi thế sẵn có, Việt Nam có thể tập trung vào các sản phẩm như dầu dừa, sữa dừa, bột dừa, sản phẩm từ vỏ dừa, chè dừa, snack dừa...

Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất dừa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dừa, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chất lượng dừa của Việt Nam được tổ chức Cộng đồng dừa quốc tế (ICC) đánh giá cao. Năm 2023, dừa Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này cho thấy chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của dừa Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định của thị trường Hoa Kỳ, một trong những thị trường khắt khe nhất.

Ngày 6/6/2024, Việt Nam và Trung Quốc kết thúc đàm phán Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu. Đến hôm 19/8, dừa Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khai-thong-thi-truong-trung-quoc-xuat-khau-dua-se-co-buoc-tien-dot-pha-158182.html