Khám, điều trị từ xa
Không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, các bệnh viện tại TPHCM đã và đang đồng loạt triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý và khám chữa bệnh. Thành quả ban đầu không chỉ mang lại tiện ích về mặt dịch vụ mà còn nâng cao chất lượng khám, điều trị.
Mới 7 giờ sáng, khuôn viên Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã chật kín người. Vì đi vội vàng, ông Trần Văn Đăng (58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) không mang theo thẻ BHYT để đăng ký mà chỉ có ứng dụng VssID trong điện thoại. Ông Đăng được nhân viên tư vấn sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trong ứng dụng VssID để làm thủ tục khám bệnh. Khi thanh toán chi phí, ông cũng không cần chen chúc chờ gọi tên mà theo dõi trên màn hình để chuẩn bị số tiền tương ứng hoặc thanh toán bằng thẻ ATM. Ông Đăng cho biết, những tiện ích này với người bệnh lớn tuổi như ông thật sự ngoài mức kỳ vọng.
Tiên phong trong ứng dụng tiện ích phục vụ người bệnh bằng công nghệ thông tin phải kể đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Theo TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, hơn 10 năm qua, đơn vị đã số hóa hầu hết chứng từ, giấy tờ chuyên môn, hồ sơ bệnh án, các giấy tờ phục vụ công tác khám chữa bệnh; xây dựng các phần mềm giám sát kê đơn, kiểm soát kháng sinh... Quy trình khám chữa bệnh và đấu thầu thuốc cũng được rút gọn. Nhờ vậy, với số lượng trung bình mỗi ngày gần 6.000 lượt ngoại trú, 1.500 bệnh nhân nội trú, đơn vị vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh.
Cuối tháng 11-2022, 4 bác sĩ trẻ đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã lên đường nhận nhiệm vụ mới tại Trạm Y tế xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) và vận hành quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ khám, chữa bệnh cho bà con xã đảo. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hoạt động này khởi đầu cho lộ trình hiện thực hóa mô hình chuyển đổi hoạt động của trạm y tế theo hướng tiếp cận cộng đồng thay vì chỉ tiếp cận cá thể.
Việc ứng dụng AI chính là một “điểm sáng” của ngành y tế thành phố trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân 115 từ lâu được biết đến như một trung tâm hiện đại nhất phía Nam về điều trị đột quỵ. Kể từ năm 2019, bệnh viện nỗ lực đưa phần mềm Rapid vào lĩnh vực này. TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện, cho biết, sau 3 năm ứng dụng phần mềm Rapid, bệnh viện đã điều trị thành công hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu sau 6 giờ.
Một minh chứng sống động của chuyển đổi số và ứng dụng y tế thông minh tại tuyến y tế cơ sở trong thời gian qua là từ trước đến nay, các bác sĩ tại bệnh viện sẽ mời hội chẩn khi gặp ca bệnh khó, riêng bác sĩ ở các trạm y tế gần như không thể, chỉ có cách giới thiệu người bệnh lên các bệnh viện tuyến trên.
Hình ảnh bác sĩ ở trạm y tế “đơn lẻ” một mình trong công tác khám, chữa bệnh đã được giải tỏa từ khi Sở Y tế TPHCM phối hợp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa triển khai ứng dụng “teleconsultation” (tư vấn từ xa) để kết nối bác sĩ chăm sóc ban đầu tại trạm y tế với bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến cuối. Không dừng ở đó, ngành y tế cũng vừa triển khai thành công ứng dụng AI trong việc đọc kết quả phim X-quang phổi thay thế cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kham-dieu-tri-tu-xa-post675050.html