Khấm khá nhờ trồng mãng cầu
Gia đình anh Lê Văn Chớp (42 tuổi), ngụ ấp Hòa Lộc, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có thu nhập khá, cuộc sống ổn định từ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mãng cầu Thái và kết hợp một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, ổi…
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cây ăn trái, anh Lê Văn Chớp nói: “Làm lúa kết hợp trồng màu nuôi 3 miệng ăn, kinh tế gia đình chỉ đủ sống, không có dư. Tình cờ trong một dịp đi Bến Tre, tôi được đi xem mô hình trồng mãng cầu Thái đạt hiệu quả cao. Tôi đã chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái để tăng thu nhập”.
Năm 2016, anh Chớp quyết định cải tạo 2ha đất trồng lúa, hoa màu sang trồng mãng cầu Thái. Khoảng 2 năm đầu, anh Chớp gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc, bón phân và nước tưới cho cây. Dù vậy, anh Chớp không nản lòng mà quyết tâm ra sức học hỏi.
“Năm đầu trồng mãng cầu Thái, tôi chỉ mua khoảng 300 cây con về trồng trên 4 công đất nhà. Cây cho trái èo ọt, tỷ lệ đậu trái cũng thấp”, anh Chớp nói.
Theo anh Chớp, mãng cầu Thái cũng như các loại cây ăn trái khác chịu ảnh hưởng thời tiết, nhất là vào mùa mưa, mãng cầu Thái sẽ dễ bị hư. Tỷ lệ thụ phấn trong tự nhiên nhờ côn trùng và gió để cây cho năng suất cao là rất thấp và khó. Để cây mãng cầu Thái cho trái nhiều, người trồng cần thụ phấn bổ sung cho cây (hay còn gọi là quẹt nụ) giúp cho tỷ lệ đậu trái cao, tăng sản lượng, trái tròn đều đẹp.
“Mỗi năm, mãng cầu Thái cho hai đợt trái, thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 9. Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch được khoảng 6 tấn bán với giá từ 30.000-60.000 đồng/kg. Trúng mùa được giá nên tôi thu lợi nhuận cao khoảng 500 triệu đồng”, anh Chớp cho biết.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi Nguyễn Thanh Khởi, cho biết Hòa Lợi có 7 hộ trồng mãng cầu Thái với tổng diện tích toàn xã 3,83ha. Anh Chớp là một trong những gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
"Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Chớp còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội ở địa phương. Đầu năm 2023 đến nay, anh Chớp hỗ trợ các hộ dân khó khăn cất 5 căn nhà, trị giá 200 triệu đồng”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi Nguyễn Thanh Khởi cho biết thêm.
Hơn 7 năm gắn bó với mô hình trồng mãng cầu Thái, hiện vườn mãng cầu của anh Lê Văn Chớp đã tăng lên 2,5ha. Ngoài trồng mãng cầu Thái, vườn trồng cây ăn trái của anh Chớp còn trồng một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, ổi… mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng đã giúp gia đình anh phát triển kinh tế, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bài và ảnh: HOÀNG MAI - THÚY ANH
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/kham-kha-nho-trong-mang-cau-18371.html