Khấm khá từ nghề làm đậu nghệ

Nhờ kiên trì theo nghề làm đậu nghệ truyền thống của gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thoan ở thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo (Khoái Châu) đã có cuộc sống ngày càng khấm khá, có điều kiện để lo cho các con ăn học nên người.

Mặc dù là nghề truyền thống của gia đình nhưng khi bắt tay vào làm nghề, vợ chồng chị Thoan cũng gặp một số khó khăn khi nhiều mẻ đậu có mùi khê, không mịn và cứng. Khắc phục khó khăn, vợ chồng chị vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và tự điều chỉnh nguyên liệu đến khi tạo ra được thành phẩm là những chiếc đậu nghệ mềm, vàng óng như ý muốn.

Theo chị Thoan, nghề làm đậu không theo mùa, làm được quanh năm; nguyên liệu chính là đậu tương sẵn có ở trong và ngoài tỉnh. Để làm ra được những chiếc đậu ngon, từ khâu chọn hạt đậu đến khi làm ra thành phẩm, khâu nào cũng quan trọng, đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ và sạch sẽ. Quá trình xay hạt đậu tương, gia đình chị Thoan cho vào vài lát nghệ tươi theo tỉ lệ, bảo đảm đậu có màu đẹp mắt mà vẫn giữ được mùi thơm, béo đặc trưng của đậu chứ không bị lấn át bởi mùi nghệ.

Chị Thoan cho biết thêm, hơn 5 năm nay, nghề làm đậu từ chỗ hoàn toàn làm thủ công đã có nhiều khâu được thay thế bởi thiết bị cơ giới nên đỡ vất vả hơn như: Xay đậu bằng máy đã giúp xay hoàn toàn đậu tương, giảm bớt công đoạn vắt bằng tay; công đoạn luộc đậu cũng được thay thế bằng lò hơi sử dụng điện thay thế luộc thủ công bằng bếp than, củi. Tuy nhiên, một vài công đoạn cần sự tỉ mỉ, khéo léo để nâng cao chất lượng sản phẩm đậu nghệ vẫn được gia đình chị làm thủ công như: Đánh nước chua, gói, ép...

Hiện nay, gia đình chị sử dụng trung bình 50kg đỗ tương/ngày để sản xuất khoảng 1,2 tạ đậu nghệ với giá bán 25 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định ở trong và ngoài huyện. Lợi nhuận từ nghề làm đậu nghệ đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kham-kha-tu-nghe-lam-dau-nghe-3175238.html