Khám phá Bảo tàng Cúc Phương
Bảo tàng Cúc Phương nằm trong khuôn viên Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nơi đây đang lưu giữ bộ sưu tập mẫu vật sinh học và hiện vật đứng đầu trong hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Tới Bảo tàng, bạn sẽ biết thêm rất nhiều điều thú vị về giá trị đa dạng sinh học và văn hóa gắn với cánh rừng nguyên sinh thuộc vào hàng cổ xưa nhất này.
Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam với nhiệm vụ chính là quản lý và bảo vệ rừng. Song song với đó, Vườn có chức năng nghiên cứu khoa học. Chính quá trình nghiên cứu này, thông qua hoạt động điều tra đa dạng sinh học, đã dần hình thành một bộ sưu tập mẫu vật thiên nhiên vô cùng quý giá. Và đó là cơ sở để hình thành Bảo tàng Cúc Phương.
Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Cúc Phương đang lưu giữ khoảng 13.000 mẫu tiêu bản thực vật và nấm; 450 mẫu thú, chim, bò sát và ếch nhái; 4000 mẫu côn trùng; 300 mẫu khoáng vật, hóa thạch và hiện vật khảo cổ.
Chị Hoàng Thị Quyên, thuyết minh viên Bảo tàng cho biết: Chúng tôi có quyền tự hào rằng, đây là bộ sưu tập đứng hàng đầu trong hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Ở đây chúng tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện sinh động về quá trình tiến hóa của tự nhiên, từ khi trái đất mới được hình thành cho đến sự đa dạng phong phú về các loại sinh vật như hiện nay. Ấn tượng đầu tiên tạo cảm xúc mạnh đối với du khách khi tới Bảo tàng Cúc Phương là tháp bướm - loài côn trùng đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới Cúc Phương.
Trên tháp bướm này có khoảng 350 mẫu bướm trong tổng số 380 loài được phát hiện ở đây. Nếu ai đã từng tới Cúc Phương vào khoảng từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5 dương lịch hàng năm hẳn đã có cơ hội chứng kiến rất nhiều luồng bướm nối đuôi nhau như những dòng suối, len lỏi khắp đại ngàn với hàng triệu cánh bướm lung linh màu sắc.
Đó chính là nguồn cảm hứng để Vườn Quốc gia Cúc Phương chọn bướm làm biểu trưng của Bảo tàng. Dưới góc độ khoa học, nó còn là minh chứng cho sự đa dạng sinh học của Vườn, bởi bướm có thể coi là loài côn trùng chỉ thị về môi trường sống và chỉ thị về độ đa dạng thực vật. Nơi nào còn phong phú và đa dạng về loài này thì chứng tỏ môi trường sống còn trong lành và độ đa dạng thực vật cao.
Tại tầng 1 của Bảo tàng, ngoài chiêm ngưỡng tháp bướm, các bạn còn được tìm hiểu về lịch sử hình thành trái đất cũng như sự sống thông qua đồ họa cây tiến hóa sinh giới, vòng đời của bướm... Khác với tầng 1, tầng 2 của Bảo tàng sẽ mở ra cho bạn một không gian vô cùng lý thú về giá trị đa dạng sinh học và văn hóa của cánh rừng nguyên sinh Cúc Phương.
Cúc Phương nằm trong đai khí hậu nhiệt đới, gió mùa nóng, ẩm quanh năm, vì vậy rất thích hợp cho nhiều loài thực vật sinh trưởng và phát triển. Theo thống kê của các nhà khoa học thì Cúc Phương hiện có gần 2.500 loài thực vật bậc cao. Trong đó, có rất nhiều loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao như Đinh hương, Lim xanh, Chò xanh, Chò chỉ.
Bên cạnh những loài cây gỗ quý, Vườn còn có khoảng 400 loài cây thuốc, 300 loài cây ăn được và còn nhiều loài thực vật bậc thấp mà các nhà khoa học chưa nghiên cứu. Giới nấm cũng vô cùng đa dạng và phong phú.
Trong không gian trưng bày của Bảo tàng, du khách sẽ được tìm hiểu về một số loài thực vật đặc trưng, tiêu biểu, quý hiếm và phổ biến của rừng già Cúc Phương qua một số mẫu tiêu bản như: Dây leo Bàm bàm, Dương xỉ, Lan, thất diệp nhất chi hoa, Trai thảo, Chè hoa vàng. Đáng chú ý trong số đó có loài Lan Việt, đặc hữu của Cúc Phương, sống kí sinh trên rễ của vật chủ, Lan Việt chỉ xuất hiện vào mùa xuân, không có lá, chỉ có hoa và quả.
Không kém gì giới thực vật, hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện Cúc Phương có 137 loài thú, trong đó loài thú lớn nhất là Gấu ngựa với trọng lượng cơ thể lên tới 200 kg. Cúc Phương cũng có nhiều loài thú đặc hữu như Sóc bụng đỏ đuôi hoe, Vooc mông trắng .v.v… Ngoài ra, đây còn là ngôi nhà chung của 337 loài chim, 129 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, 23 loài nhuyễn thể, 12 loài giáp xác và khoảng 2000 dạng côn trùng và vô số các loài động vật thủy sinh khác chưa được nghiên cứu.
Tại Bảo tàng bạn sẽ được tận mắt xem các mẫu ngâm tiêu bản nhiều loài động vật tiêu biểu như: cá Niết Hang, ếch Cây Xanh Đốm, ếch Cây Xanh Ki-tô, rắn Lục, thằn lằn Chân Ngón, ... Bên cạnh đó, bạn còn được tự do khám phá không gian trưng bày mẫu tiêu bản các loại côn trùng thuộc bộ cánh màng (Bọ Que, Bọ Lá, Ve Sầu), bộ cánh cứng (Xén Tóc, Cánh Cam), bộ cánh vẩy (Bướm).
Ngoài ra, Bảo Tàng Cúc Phương cũng là nơi lưu trữ, bảo quản và trưng bày các mẫu vật có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa gắn với con người nơi đây. Đơn cử như: Các mẫu hóa thạch của các sinh vật trên cạn, có mặt ở thời kỳ biển thoái (Dây Leo Thân Gỗ, Dương Xỉ, Quyển Bá); các mẫu hóa thạch của các sinh vật biển (Cúc Đá, ốc Anh Vũ và hóa thạch Răng Voi); bộ hài cốt cùng các di vật của người tiền sử cách ngày nay khoảng 7500 năm - 7600 năm cùng không gian sinh hoạt văn hóa của người Mường.
Em Nguyễn Văn Tuấn, một sinh viên ở Hà Nội đến thăm Bảo tàng Cúc Phương tỏ ra thích thú: Hình ảnh cây tiến hóa, các thông tin về loài bướm rất hay. Em đã quay phim, chụp ảnh lại để về nghiên cứu. Có thể nói, sau khi đến đây em cảm thấy yêu thiên nhiên, yêu Cúc Phương phương hơn và em sẽ cố gắng xây dựng một cuộc sống xanh để bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bảo tàng Cúc Phương luôn níu chân du khách tham quan, chiêm ngưỡng và khám phá thiên nhiên qua những chương trình trưng bày theo chuyên đề. Trong một không gian yên tĩnh, tâm hồn du khách trở nên thư thái, con người với thiên nhiên được hòa quyện từ đó có thêm tình yêu thiên nhiên, trân trọng và ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên. Đặc biệt, tham quan Bảo tàng còn là một phương pháp học tập lý thú và bổ ích đối với thế hệ trẻ.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kham-pha-bao-tang-cuc-phuong/d20220722073748744.htm