Khuôn viên đồ sộ rộng hơn 3.000 m2 trong đó có hơn 2.000m2 trưng bày trong nhà với gần 4.000 hiện vật lớn nhỏ cùng các tư liệu quý giá về các nhà văn nổi tiếng của lịch sử văn học Việt Nam: Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà văn hóa lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Tố Hữu….
Ngay vị trí trung tâm giữa tầng 1 gian trưng bày là nổi bật câu trích dẫn kinh điển trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” được khắc trên tường, phía trước là hòn đá hình ngòi bút mang từ Đền Hùng về.
Xung quanh khu trưng bày tầng 1 thể hiện khái quát về 10 thế kỉ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19): lịch sử chữ viết của dân tộc trên các loại chất liệu từ giấy dó, vải, kim loại, gỗ cây… Ngoài ra còn có không gian tái hiện cảnh sĩ tử lều chõng đi thi, cảnh trạng nguyên về làng vinh quy bái tổ…
Không chỉ trưng bày các hiện vật quý, bảo tàng còn bố trí hệ thống máy tính, màn hình cảm ứng tự động, giới thiệu về các hiện vật khi khách tham quan bước vào bảo tàng như những thước phim giới thiệu nền văn học từ thời xa xưa .
Tôn tượng Vua Trần Nhân Tông thỉnh từ chùa Tiêu Sái (nay là chùa Báo Ân, Gia Lâm, Hà Nội) về đặt tại bảo tàng.
Trên tầng 2 của bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu về những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20 như Phan Bội Châu, Tản Đà… và các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tế Hanh…
Để làm nổi bật sự đặc sắc và kịch tích của những tác phẩm thời kỳ này, bối cảnh được tái hiện từ hai tác phẩm nổi tiếng của thời kỳ này, gồm bên trái là tác phẩm Tắt đèn ( Ngô Tất Tố), bên phải tác phẩm Chí Phèo ( Nam Cao).
Những hiện vật quý báu của những nhà văn, nhà thơ cũng được trưng bày và bảo quản hết sức tỉ mỉ. Đây là chiếc bàn gỗ đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng trong thời gian 10 năm sống ở quê vợ Thái Bình cuối thế kỷ 18.
Bộ bàn ghế Bác Hồ từng tiếp vua Bảo Đại năm 1946.
Tầng 3 của bảo tàng là nơi trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền bắc, miền nam. Đây cũng là nơi đặt bức tượng của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941), đại diện tiêu biểu của văn hóa Ấn Độ, được tôn vinh là một trong “Tam vị nhất thể” của Ấn Độ hiện đại, cùng với Mahatma Gandhi và Jawarharlal Nehru.
Tư liệu về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền Bắc, miền Nam.
Vật dụng trong sinh hoạt đời thường của các nhà văn nổi tiếng.
Bảo tàng Văn học Việt Nam còn có một phần trưng bày ngoài trời với các bức phù điêu bằng gốm trang trí và hệ thống 20 tượng danh nhân văn học thời kỳ cổ -trung đại giới thiệu về nền văn học Việt Nam.
Với không gian văn hóa đặc sắc, chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý giá nhưng Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Sơn Quách