Khám phá dáng hồn đô thị Sài Gòn - TP.HCM qua di sản trăm năm

Nhà nghiên cứu đô thị Nguyễn Hữu Phúc Tiến chia sẻ trong quá trình viết cuốn 'Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông' tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II đã tìm thấy một tư liệu cho thấy cái tên 'Hòn ngọc Viễn Đông' đã xuất hiện từ năm 1881 bởi một thuyền trưởng, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của vùng đất này.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ tại cuộc giao lưu Di sản Sài Gòn - TP.HCM: Dáng hồn đô thị diễn ra sáng 17.5 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Minh Hòa

Vùng đất đặc biệt

Theo PGS-TS. Trần Thị Mai (giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM), Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị có sự khác biệt với nhiều nơi khác như Huế, Hà Nội… bởi đây là một đô thị sông nước, sở hữu cộng đồng dân cư đa dạng và có tốc độ đô thị hóa không nơi nào có được.

Về khía cạnh địa lý, các chúa Nguyễn đã kiến thiết một vùng nằm trên các sông Tân Bình, Bến Nghé, từ đó không ngừng mở rộng, lan tỏa theo hệ thống kênh, rạch, luồng, lách, hình thành đời sống “trên bến dưới thuyền”.

Nhưng không chỉ dừng ở mặt địa hình, nơi đây còn là trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa – điều khiến Sài Gòn - TP.HCM độc đáo hơn so với các đô thị khác. Từ đó từng bước trở thành trung tâm của vùng Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung cũng như của khu vực Đông Nam Á và thế giới, thu hút nhiều thương nhân đến từ khắp nơi.

Cũng bởi vai trò đặc biệt trong nhiều khía cạnh, mà ngay từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã có những bước chỉnh trang, quy hoạch phù hợp. Bà Mai tiết lộ khi Pháp tiến vào nước ta, họ rất thán phục quy hoạch sẵn có, dẫn đến việc kế thừa để kiến thiết nên một thành phố mới được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

PGS-TS. Trần Thị Mai chia sẻ Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị khác biệt bởi 3 yếu tố: đô thị sông nước, sở hữu cộng đồng dân cư đa dạng và có tốc độ đô thị hóa không nơi nào có được.

PGS-TS. Trần Thị Mai chia sẻ Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị khác biệt bởi 3 yếu tố: đô thị sông nước, sở hữu cộng đồng dân cư đa dạng và có tốc độ đô thị hóa không nơi nào có được.

Bà Mai cũng bổ sung thêm ngay từ rất sớm, người phương Tây đã so sánh Sài Gòn còn lớn hơn cả Bangkok của Vương quốc Xiêm cũng như một số thành phố châu Âu khác, từ đó tạo nên một Paris thu nhỏ, đẹp như viên ngọc hay ngôi sao trên mũ miện của các quý tộc.

Ông Tiến cũng tiết lộ ngay ở giai đoạn chưa chiếm được hoàn toàn Đông Dương, thì người Pháp đã có tầm nhìn xây dựng Sài Gòn như nơi tụ hội của toàn bộ hệ thống giao thông, từ đường sắt, đường bộ cho đến đường thủy. Để rồi từ đây sẽ tỏa đi dọc đất nước cũng như các quốc gia lân cận.

Hai tác phẩm trình hiện Sài Gòn qua kiến trúc và ảnh chụp.

Hai tác phẩm trình hiện Sài Gòn qua kiến trúc và ảnh chụp.

Đô thị của một thời kỳ lịch sử bi hùng

Với cuốn sách mới vừa được ra mắt, tác giả Phúc Tiến cho biết cơ duyên để chấp bút trước nhất bởi ông là người sinh ra tại đây, lại thêm việc được học sử và làm báo chí, nên luôn tò mò muốn biết, muốn khám phá lịch sử sinh thành và phát triển của thành phố này.

Trong quá trình đó, những hình ảnh và vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan và các kiến trúc lâu đời là không thể thiếu. Đó có thể là những con đường rợp bóng cây xanh, là các dinh thự, biệt thự, nhà phố, thánh đường, trường học, chợ nhà lồng… trước năm 1945. Trên đường tìm hiểu các di sản kỳ thú, ông đã cho ra mắt nhiều tác phẩm về Sài Gòn.

Chia sẻ về quá trình thực hiện, ông cho biết mình đánh giá cao các nguồn tư liệu “first hand” (tư liệu gốc, tư liệu bậc một), do đó các trung tâm lưu trữ của nhà nước là nơi phải gõ cửa đầu tiên.

Ông cũng tiết lộ bản thân là bạn đọc của các Trung tâm Lưu trữ ở TP.HCM và Hà Nội từ các năm 1983 -1984. Tài liệu gốc của các cơ quan hành chính thời Pháp thuộc tại các “kho tàng” nói trên có khá nhiều và được giữ gìn tốt. Trong đó, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP.HCM thừa kế các tài liệu của Phủ Thống đốc Nam Kỳ bao gồm nhiều văn bản, họa đồ, hình ảnh thuộc nhiều lĩnh vực, rất quý giá cho cuốn sách này.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến nhận định: “Chúng ta đang thừa hưởng một gia sản lớn lao, một đô thị nguy nga, được kiến tạo từ xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân”.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến nhận định: “Chúng ta đang thừa hưởng một gia sản lớn lao, một đô thị nguy nga, được kiến tạo từ xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân”.

Trong nguồn tư liệu đó, quý nhất là các bản đồ quy hoạch và một số bản vẽ thiết kế các công trình kiến trúc công cộng. Ngoài ra, nhiều năm nay, khi có dịp đi nước ngoài, ông cũng đã tìm cơ hội vào các thư viện và lưu trữ ở Pháp, Mỹ, Úc và Singapore để thu thập thêm các sách báo, hình ảnh, họa đồ về Việt Nam và Sài Gòn.

Song song với đó, cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của bạn bè, thân hữu xung quanh, cũng như những chuyến đi thực địa, tìm tìm cách "thấy tận mắt, sờ tận tay" các công trình kiến trúc khác.

Đánh giá về kho tàng di sản của Sài Gòn – TP.HCM, ông nhận định: “Chúng ta đang thừa hưởng một gia sản lớn lao, một đô thị nguy nga, được kiến tạo từ xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân. Với sự đa dạng trong phong cách, kỹ thuật… chúng là “cổ tích”, là “chứng nhân vàng” của một thời kỳ lịch sử bi hùng, không chỉ riêng Sài Gòn mà còn là Việt Nam và quốc tế”.

Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: FB tác giả.

Ảnh chụp là một phần của ký ức lịch sử

Cũng trong dịp này, một tác phẩm đặc biệt khác cũng được ra mắt là tập sách ảnh Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với sự phối hợp cùng Tạp chí Xưa và Nay. Tác phẩm ra mắt lần đầu vào năm 2016, gồm hơn 300 hình ảnh phong phú, độc đáo và có chất lượng cao về vùng đất này.

Nhà báo Nguyễn Hạnh – Chủ biên tác phẩm - chia sẻ ngày từ năm 1997, Tạp chí Xưa và Nay đã có kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Khởi đầu là tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử về nơi này, sau đó là cuộc thi Sưu tầm ảnh về Sài Gòn.

Qua những cuộc thi này, tạp chí đã nhận được những bức ảnh quý từ nhiều nguồn, cả trong cũng như ngoài nước.

Nhà báo Nguyễn Hạnh chia sẻ ngay từ rất sớm người Pháp đã thực hiện được một công trình quan trọng đó là giới thiệu, quảng bá, cho thấy vẻ đẹp và giá trị của đô thị này thông qua ảnh chụp.

Nhà báo Nguyễn Hạnh chia sẻ ngay từ rất sớm người Pháp đã thực hiện được một công trình quan trọng đó là giới thiệu, quảng bá, cho thấy vẻ đẹp và giá trị của đô thị này thông qua ảnh chụp.

Sau khi tập hợp được các nguồn ảnh trên, với mục đích nhận phổ biến rộng rãi cho công chúng, ý tưởng tổ chức một cuộc triển lãm về Sài Gòn xưa và nay và xuất bản sách ảnh về Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 300 năm SG - TP.HCM đã được nhen nhóm.

Với nguồn thông tin phong phú, tính đến nay, tác phẩm đã tái bản đến lần thứ 3 và từng nhận giải Sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam. Sách cũng được thể hiện bằng hình thức song ngữ, không chỉ hướng đến độc giả trong nước mà còn là người nước ngoài.

Nhận định về những bức ảnh, ông Hạnh cho biết chúng chứa đựng giá trị lịch sử đặc biệt: “Những bức ảnh này cách chúng ta ngày nay hơn 100 năm, được chụp vào nhiều thời khắc khác nhau, chủ yếu là do người Pháp chụp. Năm 1925, nhận thức ảnh chụp là một phần của ký ức lịch sử, nên Thống đốc Nam kỳ có chủ trương xuất bản một cuốn sách mang tên Cochinchine (Xứ Nam kỳ). Sách chỉ in 400 cuốn với nội dung là giới thiệu hình ảnh của 6 tỉnh Nam kỳ lúc bấy giờ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ảnh lịch sử luôn hiện diện đời sống, góp phần kết nối giữa quá khứ hiện tại”.

Qua đó có thể thấy rằng ngay từ rất sớm người Pháp đã thực hiện được một công trình quan trọng đó là giới thiệu, quảng bá, cho thấy vẻ đẹp và giá trị của đô thị này thông qua ảnh chụp.

Do đó kỳ vọng của ông và nhóm tác giả không chỉ dừng lại là một cuốn sách phổ biến kiến thức về lịch sử văn hóa của một thành phố, mà phải làm sao để thế hệ trẻ nuôi dưỡng được sự hứng thú với các giá trị này, cũng như nhắn gửi trách nhiệm của các nhà quản lý trong việc bảo tồn các di sản… để tiếp tục khảo sát, từ đó có hướng bảo tồn và phát huy các giá trị, phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân thành phố.

Ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM (bìa phải) và ông Trần Đình Ba (bìa trái), Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM, tặng hoa cho các diễn giả.

Ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM (bìa phải) và ông Trần Đình Ba (bìa trái), Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM, tặng hoa cho các diễn giả.

Với hai cuốn sách, PGS-TS. Trần Thị Mai nhận định đây đều là những tác phẩm đầy giá trị, bao quát về một đô thị đặc biệt ở nhiều khía cạnh, thích hợp cho đa dạng đối tượng độc giả, từ đó tạo điều kiện để thêm yêu, thêm hiểu, phát huy tối đa các nguồn lực hiện có để hướng đến sự phát triển.

Bài và ảnh: Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kham-pha-dang-hon-do-thi-sai-gon-tp-hcm-qua-di-san-tram-nam-48271.html