Viết về an ninh không chỉ là mô tả vụ án
Theo Đại tá Trần Cao Kiều, trước tình hình nhiều diễn biến mới ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, văn chương phải hòa vào nhịp đập đời sống.

Đại tá Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Truyền thông CAND và cán bộ Nhà xuất bản CAND xem các tác phẩm từng đạt giải ở trại sáng tác của Bộ Công an tổ chức trước đó. Ảnh: Đức Huy.
Theo nhận định của Đại tá Trần Cao Kiều - Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân - trong bối cảnh các loại tội phạm công nghệ cao, phi truyền thống ngày càng tinh vi và phức tạp, yêu cầu đặt ra cho những nhà văn là phải làm nên tác phẩm thực sự lay động, khơi gợi ý thức trách nhiệm cộng đồng.
“Tôi kêu gọi các nhà văn, từ những cây bút kỳ cựu đến những tác giả trẻ đầy nhiệt huyết, hãy để trái tim mình hòa nhịp với nhịp đập của thời đại, hãy để ngòi bút của mình trở thành vũ khí, thắp sáng niềm tin, lan tỏa tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc!”, Đại tá Trần Cao Kiều phát biểu tại buổi khai mạc trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V chiều ngày 16/5 tại Ninh Bình.
Nhà văn đối mặt với thách thức để chạm vào góc khuất
Đối với các nhà văn tham gia trại sáng tác năm nay, để xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an trong thời đại mới đòi hỏi sự dấn thân và tinh thần phản ánh hiện thực của những người cầm bút. Đặc biệt, với những cây bút chưa có nhiều sự tiếp xúc với đời sống công an nhân dân, quá trình viết lách cũng gặp một số rào cản.
Nhà văn Tống Ngọc Hân - người từng nhiều lần đoạt giải thưởng văn học quốc gia - chia sẻ rằng hành trình sáng tác của bản thân không hề dễ dàng, nhất là khi chị là người viết “tay ngang”, không xuất thân từ lực lượng Công an. Tác giả Tống Ngọc Hân thẳng thắn nhìn nhận, sự đặc thù của ngành an ninh - nơi đòi hỏi kiến thức nghiệp vụ sâu rộng, trải nghiệm thực tế và kỹ năng hóa thân tinh tế - khiến người ngoài khó lòng “bắt chước” hay viết hời hợt.

Đại tá Trần Cao Kiều, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an), Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an.
“Chúng tôi chỉ có thể đứng ở một góc quan sát, tái hiện lại cuộc sống chiến đấu và đời tư của người chiến sĩ công an một cách trung thực và gần nhất với thực tế, để góp phần lan tỏa những giá trị cống hiến của họ”, nhà văn Tống Ngọc Hân nói.
Viết về an ninh không phải là mô tả vụ án, nhà văn cần đào sâu vào tâm lý, cảm xúc, sự hy sinh âm thầm của những con người ở tuyến đầu bảo vệ bình yên đất nước trong thời bình. Khi tội phạm ngày càng tinh vi, khi sự phát triển công nghệ khiến ranh giới giữa đúng - sai, thật - giả bị xóa nhòa, thì càng cần thiết có những tác phẩm văn chương biết chạm vào những góc khuất, những câu hỏi đạo đức, những sự giằng xé nội tâm của cả người thực thi pháp luật và kẻ gây tội.
Dòng chảy văn chương vẫn lặng lẽ và bền bỉ
Cũng tại buổi khai mạc, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã có những chia sẻ sâu sắc về vai trò của nhà văn trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông, đất nước đang bước vào một giai đoạn chuyển mình có tính lịch sử với hàng loạt chính sách cải tổ: từ tinh giản biên chế, sáp nhập bộ máy cho đến tái cơ cấu hành chính. Những thay đổi này, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều tác động đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó có giới sáng tác.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu tại buổi khai mạc.
“Giữa muôn trùng thay đổi, vẫn có một dòng chảy lặng lẽ nhưng bền bỉ: đó là tình yêu văn chương. Bằng chứng là các nhà văn vẫn đóng cửa để viết, độc giả vẫn ra hiệu sách tìm mua sách văn học”, ông Nguyễn Bình Phương nói. Văn học, theo ông, không chỉ là nhu cầu mà còn là yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.
Tác giả Một ví dụ xoàng cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi con người phải đối mặt với áp lực tâm lý, sự hoài nghi và khủng hoảng giá trị sống, thì văn học, với bản chất nhân văn sâu xa, lại càng có vai trò quan trọng trong việc “gia cố lòng tin” và “lan tỏa những giá trị tốt đẹp”.

Các ấn phẩm được trưng bày tại trại sáng tác.
“Nhà văn chuyên nghiệp khác người viết nghiệp dư ở chỗ: họ vẫn viết cả khi không có cảm hứng, vẫn dấn thân trong những giai đoạn khắc nghiệt nhất của đời sống. Chính bản lĩnh, sự tỉnh táo, tinh thần lắng nghe và quan sát xã hội sẽ giúp nhà văn khắc họa được những vấn đề nổi cộm, chỉ ra cả cái tốt lẫn cái nguy hiểm để cảnh báo và định hướng cho cộng đồng”, ông Nguyễn Bình Phương nói.
Đại diện cho các cây bút tham gia trại sáng tác, nhà văn Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng cho biết trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, việc cổ vũ cho văn học viết về lực lượng Công an nhân dân không chỉ mang tính thời sự, mà còn là nhu cầu cấp thiết về văn hóa và tinh thần.
Nhà văn Đào Trung Hiếu cũng cam kết, các cây bút sẽ dấn thân, sáng tạo, dành trọn tâm huyết để cho ra đời những tác phẩm chân thực, lay động, góp phần phản ánh trung thực hình ảnh người chiến sĩ công an trong thời bình, những con người thầm lặng gìn giữ bình yên cho xã hội.
Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-dai-moi-va-yeu-cau-moi-voi-van-chuong-post1553578.html