Khám phá di tích lịch sử làng Lại Đà, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Làng Lại Đà bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm Đình thờ Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần; miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung, người trợ giúp Nguyễn Hiền và ngôi chùa Cảnh Phúc.

Đình Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam))

Đình Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam))

Nằm bên dòng sông Đuống, làng Lại Đà (xã Đông Hội, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dành trọn cuộc đời mình cho đất nước và nhân dân.

Theo truyền thuyết, làng Lại Đà xuất hiện cùng thời với kinh thành Cổ Loa. Đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét xưa với những công trình mang đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Làng Lại Đà còn bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm Đình thờ Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần (1247), miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung, người trợ giúp Nguyễn Hiền và ngôi chùa có tên Cảnh Phúc.

Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Di tích Quốc gia cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà.

Cùng khám phá những di tích ở làng cổ Lại Đà - quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đình, chùa, miếu Lại Đà

Đình Lại Đà

Đình Lại Đà thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1235-1256). Nguyễn Hiền sinh ngày 12 tháng 7 năm Ất Mùi (1235), quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nguyễn Hiền nổi tiếng là người thông minh từ nhỏ.

Đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16 (năm 1247), đời Trần Thái Tông, khi mới 13 tuổi. Nguyễn Hiền là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong niên khoa bảng Việt Nam.

Nguyễn Hiền làm quan đến chức “Thượng thư Bộ Công”. Những năm làm quan trong triều; ông có nhiều kế sách hay phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho Trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước. Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, trạng Hiền thu quân về Vu Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông Trạng chức “Đệ nhất hiển quý quan.” Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất, mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân sỹ.

Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý (1256), Trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại vương Thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Theo thần phả, đình Lại Đà được xây dựng sau năm 1276, lúc đầu gọi là đền, cuối thế kỷ XVIII chuyển thành đình. Ngôi đình hiện nay được dựng vào năm 1853. Đây là công trình cổ và bề thế, dựng theo kiểu liên hoàn, trên một khoảng đất phong quang, thế đất hổ phục. Trước cửa đình có hai ao tròn gọi là 2 mặt hồ, giữa có hòn đá là lưỡi hổ, phía sau đình là mình hổ và tiếp là đuôi hổ. Cửa đình theo hướng nam, trước mặt là cánh đồng, xa hơn nữa là dòng sông Đuống. Đình Lại Đà đã quá nhiều lần trùng tu. Đợt trùng tu năm 2002 - 2003 là lớn nhất, với kinh phí 1,5 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư.

Đình Lại Đà được xây trụ lớn nối với tường bao quanh chạy song song, hai bên nối với tam quan chùa và cửa miếu. Đại đình gồm 5 gian, các vì gỗ chạm khắc mang phong cách Hậu Lê (thế kỷ 18). Trong Hậu cung có đặt chiếc ngai thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, đôi lân chầu phong cách thế kỷ 17 và tượng Nguyễn Hiền đặt chính giữa.

Đình Lại Đà còn lưu giữ 20 đạo sắc phong, sắc sớm nhất vào niên hiệu Khánh Đức (Lê Thánh Tông) 19 tháng 3 năm Nhâm Thìn 1652, và sắc cuối cùng là đời vua Khải Định ngày 25/7/1924.

Chùa Lại Đà

 Chùa Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Chùa Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Chùa Lại Đà nằm sát phía đông của đình, chùa có tên chữ là Cảnh Phúc tự. Chùa làng Lại Đà dựng từ xa xưa và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dựa vào dấu tích và một số di vật còn lại, có thể đoán biết chùa làm từ thời Hậu Lê; trước đó thời Trần đã có chùa.

Chùa quy hoạch làm hai dãy: dãy phía trước là nhà Tam bảo, dãy phía sau là nhà thờ hậu (còn gọi là Tự hậu đường). Tam quan làm sát đường vào đình, dựng vào năm thứ 8 triều Cảnh Thịnh (1800). Nhà Tam bảo do tồn tại lâu đời nên đã bị xuống cấp.

Được chính quyền địa phương chấp thuận, dân làng và nhà chùa do sư cụ Đàm Nguyên đã trụ trì xây dựng lại nhà Tổ vào năm 2003 và xây dựng lại Tam bảo vào năm 2004 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (công đức của dân làng và các nhà tài trợ). Ngôi chùa hiện nay rất quy mô bề thế.

Miếu Lại Đà

Miếu Lại Đà còn gọi là đền, miếu nằm ở phía tây và sát ngay đình làng. Miếu thờ Thánh Mẫu Tiên Dung (một vị thiên thần), theo truyền thuyết là người có công giúp Trạng nguyên Nguyễn Hiền dẹp quân giặc Chiêm Thành xâm lược, được nhà Trần phong làm Phúc thần.

 Miếu Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Miếu Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Miếu được xây dựng khoảng sau năm 1276, tức sau năm Nguyễn Hiền mất. Miếu xưa nhỏ hẹp, năm Khải Định thứ 10 (1925) miếu được mở rộng ra. Miếu bố cục theo hình chữ “nhị”, nhà hậu là nơi đặt bệ, có khám thờ Thánh Mẫu. Hàng năm vào ngày 11 tháng ba âm lịch, đội nữ quan ăn mặc lễ phục cử hành lễ tại miếu.

Cụm di tích đình-chùa-miếu Lại Đà nằm trong khu đất rộng, với các công trình kiến trúc di sản hòa trong cảnh quan cây xanh - hồ nước phong thủy hữu tình. Phía sân khu di tích là cây bồ đề hơn 300 năm che bóng mát, cây làm cho khách tham quan vãn cảnh cảm nhận rất nhẹ nhàng, thoải mái.

Đình, chùa, miếu Lại Đà đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

Đình-đền Hội Phụ

Đình-đền Hội Phụ thuộc thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xa xưa còn gọi là làng Cự Trình vùng Cối Giang, sau thành tổng Cói Hội Phụ.

Thôn Hội Phụ nằm cận kề với làng Tiên Hội, vùng đất gắn với truyền thuyết vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Vùng đất tổng Cói với nhiều sự kiện và nhân vật gắn với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm đầu Công nguyên.

Hội Phụ gắn với tên tuổi của các nhà khoa bảng như: Chử Phong - tiến sỹ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), Chử Thiên Khái - tiến sỹ khoa Nhâm Tuất đời Cảnh Thống thứ 5 (1502), Chử Sư Đổng - tiến sỹ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), Chử Sư Văn - tiến sỹ khoa Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544), Ngô Thế Trị - tiến sỹ khoa Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775). Tất cả đã tạo nên một nền văn hiến lịch sử làng xã xứng đáng là đất văn hiến xứ Đông Ngàn.

Đền Hội Phụ

Đền Hội Phụ là di tích lịch sử tín ngưỡng thờ phụng ông Đào Kỳ và bà Phương Dung là hai vị tướng tài của Hai Bà Trưng trong buổi đầu giữ nước giành độc lập tự chủ cho non sông nước Việt. Công tích của hai ông bà được truyền tích dân gian và nguồn sử liệu chữ Hán còn lưu giữ được trong di tích.

Có thể tóm tắt lại lịch và công tích của hai ông bà như sau: Vào đầu Công nguyên nước ta bị ách đô hộ của nhà Hán, nhân dân vô cùng cực khổ, chính sách tham tàn của Tô Định làm người dân điêu đứng. Lúc đó có hai ông bà Đào Minh và Trần Thị Tế từ Thanh Hóa tới Cối Giang vùng Đông Ngàn sinh sống.

Tại đây ông bà sinh một người con trai đặt tên là Đào Kỳ, lớn lên học giỏi lại có tài võ nghệ. Cùng thời gian đó ở huyện Lương Tài, trang Vĩnh Tế, phủ Thuận An xứ Kinh Bắc có gia đình ông Nguyễn Trát vợ là Trương Thị Nghĩa sinh được 3 người con trai và 1 người con gái là Phương Dung đoan trang, ngoan nết lại văn võ song toàn.

Hai người gặp nhau, mến nhau vì đức, trọng nhau vì tài, hai người đã kết dải đồng tâm, cùng nhau chung sức mưu toan trả thù nhà đền nợ nước. Khi Hai Bà Trưng khởi binh, hai vợ chồng Đào Kỳ-Phương Dung đã đem hơn 100 người nhà đến yết kiến và gia nhập nghĩa quân, họ cùng đại binh đánh đuổi Tô Định giành thắng lợi.

Đất nước thái bình, Trưng Vương cử họ về trông nom vùng đất Đông Ngàn. Ba năm sau, Mã Viện sang xâm lược nước ta, hai vợ chồng ông bà cùng nhiều tướng khác được cử đến Lạng Sơn chống giữ. Thế giặc mạnh, Hai Bà hy sinh, vợ chồng Đào Kỳ lạc nhau, Đào Kỳ bị một vết chém ở cổ nhưng vẫn ôm đầu chạy về Cối Giang qua vùng Cổ Loa rồi ông kiệt sức ngã xuống, mối đùn thành một ngôi mộ.

Phương Dung sau cũng thoát được vòng vây trở về Đông Ngàn qua Cổ Loa thấy ngôi mộ mối đùn lên, hỏi thăm bà lão hàng nước bên đường mới biết chồng mình, bèn rút gươm tự vẫn. Sau mối lại đùn lên thành mộ sóng đôi với Đào Kỳ, đó là vào ngày 16 tháng bảy âm lịch.

Đình Hội Phụ

Đình Hội Phụ là nơi hội họp giao lưu văn hóa của nhân dân trong những ngày lễ của địa phương. Ngôi đình thờ Việt vương Triệu Quang Phục, người có công lớn trong việc giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân nhà Lương. Sau khi Lý Nam Đế mất, ông nối nghiệp lên ngôi được 23 năm thì mất.

Theo truyền thuyết dân gian thì Hội Phụ từng là điểm đóng đại bản doanh của Triệu Quang Phục, là nơi dấy binh đi đánh quân đô hộ nhà Lương. Sau ông còn lệnh cấp ruộng đồng cho nhân dân Hội Phụ và dân xin lập đền thờ để tỏ lòng tôn kính ông và tôn vinh làm Thành hoàng làng, thờ cùng hai ông bà Đào Kỳ - Phương Dung.

Đền và đình Hội Phụ là những công trình tôn giáo tín ngưỡng phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân. Ngôi đền xưa kia là ngôi miếu được dựng trên tư dinh của ông bà Đào Kỳ-Phương Dung để thờ sau khi ông bà mất. Đền có kết cấu theo lối chữ “nhị” gồm Tiền tế và Hậu cung. Kiến trúc nhỏ song vẫn giữ nguyên được nét truyền thống cổ xưa mang vẻ thâm nghiêm cổ kính.

Ngôi đình xưa kia tên là Cự Trình, và là ngôi đình to nhất tổng Cói. Qua nhiều lần tu bổ, hiện nay ngôi đình còn giữ nguyên được nếp nhà Tiền tế hay còn gọi là Phương Đình với kết cấu chồng diêm 2 tầng 8 mái, 8 góc đạo hoa với vân lá hóa rồng. Trên nóc đắp mặt trời và hai đầu kìm với các đề tài trang trí long ly quy phượng, đầu dư chạm rồng, đầu kê trang trí lá lật... trang trí trên kiến trúc với các mảng chạm nổi, chạm bong kênh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19.

Ngôi đình bề thế với 7 gian rộng thoáng gồm Đại đình và Hậu cung, xung quanh đình bưng ván theo lối thượng song, hạ bản, phía trước toàn bộ hệ thống cửa bức bàn tạo nên không gian thâm nghiêm của công trình tín ngưỡng.

Ngôi đình còn bảo lưu một số lượng di vật quý có giá trị về nhiều mặt như sắc phong thần, ngai thờ, bài vị, kiệu rước cùng nhiều đồ thờ khác có niên đại thế kỷ 18-19.

Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng ba âm lịch. Hội Phụ cùng 6 thôn làng thờ Đào Kỳ- Phương Dung tổ chức rước nghênh lãng tại thôn Phúc Thọ, xã Mai Lâm làm lễ thánh. Lễ hội thể hiện tình đoàn kết cộng đồng giao lưu văn hóa của cả một vùng tổng Cói rộng lớn.

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đình và Đền Hội Phụ được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 1996./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-di-tich-lich-su-o-que-huong-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post966061.vnp