Khám phá hang động kỳ vĩ miền Tây xứ Thanh
Về với xứ Thanh, nhiều du khách mới chỉ biết đến những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Suối cá Thần Cẩm Lương, Vườn Quốc gia Bến En, biển Sầm Sơn... Có một xứ Thanh bí ẩn và vô cùng kỳ vĩ, phải dành rất nhiều thời gian, niềm đam mê và cả lòng dũng cảm mới có thể khám phá hết.
Thanh Hóa được biết đến là một trong những cái nôi của loài người, khi giới khảo cổ học phát hiện từ miền đất này khá nhiều hang động mang dấu tích của người tiền sử. Hang Con Moong ở xã Thành Yên (Thạch Thành) là một trong những di tích cung cấp nhiều cứ liệu lịch sử sống động về thuở sơ khai của loài người, được xem là “chìa khóa” để tìm hiểu diễn trình phát triển lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với tiểu vùng Đông Nam Á. Không chỉ có hang Con Moong, nằm rải rác trong vùng đệm và vùng lõi Vườn Quốc gia Cúc Phương còn có rất nhiều hang động đánh dấu sự có mặt của người tiền sử.
Theo dấu chân những nhà khảo cổ học hàng chục năm trước, từ hang Con Moong, chúng tôi theo trục đường chính của xã Thành Yên đi sâu vào khoảng 8 km, tìm đến hang Mộc Long. Hang này nằm ở ngay chân núi, khá sâu và thông hai đầu nên có cảm giác gió lùa qua lòng hang. Nằm ở phía đối diện, mái đá Mộc Long có độ cao khoảng 50m tính từ chân núi. Các nhà khảo cổ đã khai quật nơi đây để tìm ra những dấu tích của người xưa. Các di tồn vỏ nhuyễn thể và dấu vết tro bếp cho thấy sự cư trú, sinh hoạt của người nguyên thủy khá rõ.
Hang Diêm thuộc bản Sánh, xã Thành Yên nằm ở khoảng giữa Mái đá Mộc Long và hang Con Moong, cách Con Moong khoảng 4 km. Chúng tôi đã mạo hiểm bám dây rừng và cây dại để trèo qua một vách đá cheo leo mới lên đến cửa hang. Nền hang vẫn còn những hố khảo cổ phát lộ dấu tích về cuộc sống của người tối cổ đã có mặt tại nơi này từ xa xưa.
Chúng tôi dành nguyên một ngày đi bộ vào vùng lõi Vườn Quốc gia Cúc Phương để tìm đến hang Mang Chiêng. Đây là một hang đá hoàn toàn cô tịch giữa rừng già, chỉ có những nhà khảo cổ học và một số ít người dân địa phương chuyên đi rừng mới biết đến. Nền và vách hang được cấu thành bởi những tảng vỏ ốc hóa thạch rất dày, cho thấy cách thức sinh tồn của con người thời kỳ vừa thoát thai khỏi loài vượn.
Việc hang Con Moong được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt năm 2016 và được lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới, cùng với những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú ở Thạch Thành và Vườn Quốc gia Cúc Phương, sẽ tạo thêm sức hút cho du lịch liên vùng Thanh Hóa - Ninh Bình - Hòa Bình. Những “mái nhà cổ tích” của loài người nằm lẩn khuất trong rừng già là địa chỉ lý thú dành cho những người ưa mạo hiểm, thích khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên nơi thâm sơn cùng cốc.
Chia tay Vườn Quốc gia Cúc Phương ở Thạch Thành, chúng tôi về làng Ngán, xã Ngọc Khê, cách trung tâm huyện Ngọc Lặc khoảng 5 km, nơi có danh thắng Bàn Bù. Nằm trong vùng núi non trùng điệp, hang Bàn Bù có chiều dài khoảng 6 km. Trong lòng hang có vô số nhũ đá tượng hình các loài chim, thú khác nhau, có chỗ lại giống hoa văn điêu khắc của cung điện, chùa chiền, trông rất kỳ thú. Bên dưới là dòng suối trong veo tuôn chảy đêm ngày, có chỗ đọng lại thành những ang nước nhỏ, soi bóng các nhũ đá long lanh. Hang Bàn Bù là nơi nghĩa quân Lam Sơn ẩn nấp, phục kích quân địch, làm nên chiến thắng Bàn Bù nổi tiếng vào năm 1420. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, vua Lê Thái tổ đã sắc phong cho dân làng tổ chức ăn mừng chiến thắng, nên có lễ hội Bàn Bù vào tháng giêng hàng năm.
Từ Ngọc Lặc rẽ lên Bá Thước, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có một hang động còn nguyên vẻ hoang sơ nhưng không kém phần kỳ vĩ. Đó là hang Kho Mường, thuộc xã Thành Sơn, còn gọi là hang Dơi vì đây là nơi trú ngụ của rất nhiều dơi. Trong hang cũng có dòng suối chảy qua, dưới lòng suối có thể nhìn thấy màu lấp lánh của các nhũ đá. Vách và trần hang là những khối thạch nhũ được kiến tạo từ hàng trăm triệu năm trước, với nhiều hình thù kỳ dị. Cùng với hang Dơi, trong đại ngàn Pù Luông còn có nhiều hang động bí ẩn khác mà ngay cả người bản địa cũng chưa khám phá hết. Cùng với đó là những hồ, thác nước đẹp như thác Mơ, thác Hiêu, đập Điền Hạ... Xung quanh những thắng cảnh này là bản làng bình yên với những nếp nhà sàn thơ mộng của đồng bào dân tộc Thái. Những năm gần đây, các bản làng này đã và đang được xây dựng thành những điểm du lịch sinh thái cộng đồng, đón nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú và khám phá đời sống văn hóa của người bản địa.
Rời đại ngàn Pù Luông, chúng tôi tiếp tục lên miền núi cao xứ Thanh để khám phá hang Ma (tiếng Thái gọi là hang Phi), nằm trên địa bàn xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa. Núi đá vôi trầm mặc và rừng nguyên sinh bao bọc, lại có dòng sông Luồng uốn lượn tạo cho nơi đây vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Người dân địa phương cho biết, trước kia hang này có tên gọi là Tiên Hậu, gắn với truyền thuyết một đôi vợ chồng có tên là Tiên Hậu đến khai khẩn và đánh bắt cá ở vùng đất này. Theo sách cổ, dưới thời giặc Minh xâm lược nước ta, người dân chạy giặc thường vào hang để trốn. Khu vực này cũng là nơi chôn cất thi hài nghĩa quân Lam Sơn sau những trận huyết chiến với giặc. Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội và dân quân du kích đã lợi dụng vào thế núi ở đây để mai phục, đánh chặn các cuộc hành quân của địch. Ngày nay, một cầu treo đã được bắc ngang sông phục vụ khách du lịch ngắm cảnh.
Từ hang Ma đi về phía hạ nguồn sông Luồng, bên bờ sông có nhiều khối đá trông như buồng tắm, tương truyền là nơi tiên nữ trên trời xuống vui chơi ngắm cảnh và tắm mát. Trên vách đá còn có nhiều hang động, trong đó hang Lụng Mu chứa tới mấy chục bộ quan tài của người xưa. Đây là một bí ẩn thách thức các nhà khoa học, vì chưa ai có thể lý giải một cách thấu đáo làm cách nào đưa được những bộ quan tài từ dưới chân núi lên tới độ cao cả trăm mét, với địa hình hiểm trở như vậy.
Trên khúc sông Luồng này cũng là nơi các loại cá tự nhiên trú ngụ, nhất là ở những hẻm đá, hang động nằm sát dòng chảy. Với những du khách thích trải nghiệm cùng thiên nhiên hoang dã, có thể cùng người dân bản địa quăng chài, đánh bắt cá, thưởng thức món ăn từ những loài thủy sinh nơi đây theo cách chế biến riêng của đồng bào miền núi.
Theo tuyến đường 217 lên bản Chanh, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), chúng tôi khám phá động Bo Cúng, một thắng cảnh kỳ vĩ của tạo hóa ban tặng cho miền Tây xứ Thanh. Tuy cửa động hơi hẹp, nhưng khi bước vào thì trong lòng động đá mở ra rất sâu và rộng. Với chiều dài hơn 1 km, động Bo Cúng có cảnh quan huyền ảo với từng khối thạch nhũ mang đủ các hình dáng, màu sắc khác nhau. Du khách có thể tha hồ tưởng tượng và đặt tên cho những khối đá ấy thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc sinh động. Ngoài động Bo Cúng, dọc suối Xia lên đầu nguồn giáp biên giới nước bạn Lào còn có nhiều hang động đẹp, tạo thành một quần thể hang động hấp dẫn du khách.
Cùng với các hang động, trên địa bàn xã Sơn Thủy còn có đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào, người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn biên cương. Ngài được tôn sùng là người giữ “vía” cho bản làng, tục truyền rằng trai tráng trước khi ra trận đến đây chiêm bái, sẽ tránh được tên bay đạn lạc.
Dòng suối Xia uốn lượn quanh dãy núi Bo Cúng, cùng với những hang động và di tích lịch sử đã khoác lên vùng đất này vẻ đẹp vừa hoang sơ bí ẩn, vừa đằm sâu truyền thống văn hóa. Đây là nơi quần cư lâu đời của đồng bào dân tộc Thái. Những điệu múa xòe, khặp, khua luống, nhảy sạp, văn hóa cồng chiêng..., cùng những món ẩm thực đặc trưng như cơm lam, rượu cần, xôi ngũ sắc... tạo nên bản sắc riêng cho vùng đất này.
Một chuyến đi chưa thể giúp chúng tôi khám phá hết những vẻ đẹp kỳ bí, huyền diệu của núi rừng xứ Thanh. Hy vọng rằng các nhà du lịch lữ hành sẽ quan tâm hơn nữa tới những danh lam thắng cảnh, nhất là các hang động nằm trong vùng hẻo lánh còn ít người biết tới, giúp du khách được khám phá, trải nghiệm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa đặc sắc ẩn mình trong dải đại ngàn rộng lớn miền Tây xứ Thanh.