Khám phá hang động: Sản phẩm du lịch mới của Thái Nguyên

Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai các hình thức du lịch mới nhằm thu hút du khách đến địa phương trải nghiệm, khám phá. Một trong những sản phẩm Thái Nguyên thúc đẩy là du lịch thám hiểm hang động.

 Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai các hình thức du lịch mới nhằm thu hút du khách đến địa phương trải nghiệm, khám phá

Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai các hình thức du lịch mới nhằm thu hút du khách đến địa phương trải nghiệm, khám phá

Thái Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm của vùng với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, nhiều danh thắng trên địa bàn tỉnh đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ như hồ Núi Cốc, khu du lịch ATK Định Hóa, du lịch nông nghiệp vùng trà Tân Cương… Bên cạnh đó là các điểm tham quan đặc sắc như hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hồ Ghềnh Chè, hồ Suối Lạnh cùng hệ thống núi rừng dọc sườn đông Tam Đảo trải dài gần 10.000 ha… đều là những địa điểm hết sức tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thái Nguyên Nguyễn Văn Ngọc, Thái Nguyên đã đầu tư và tiếp tục trải thảm mời các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, thể thao như thám hiểm hang động, du lịch golf được xác định là mũi đột phá của du lịch Thái Nguyên trong những năm tới…

Để thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp hơn nữa trong cơ cấu kinh tế địa phương, ngành VHTTDL Thái Nguyên đã tham mưu cho tỉnh những định hướng, chủ trương, giải pháp thiết thực, gắn với bối cảnh thực tiễn. Thái Nguyên đã xây dựng "Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030" với mục tiêu đưa Thái Nguyên thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng. Trong đó, đưa ra các tiêu chí cụ thể: đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách du lịch khoảng 10%; đón 3,2 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm mới cho16 ngàn lao động. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3 ngàn tỷ đồng/năm; đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách du lịch đạt 12%/năm, đón 5-6 triệu lượt du khách, tạo việc làm mới cho khoảng 24 ngàn lao động…

Dựa trên cơ sở tiềm năng về vị trí địa lý, kết hợp một cách đồng bộ các tài nguyên tự nhiên, văn hóa, lịch sử…, ngành VHTTDL Thái Nguyên định hướng chung trong việc xây dựng và phát triển du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng và đóng góp cho ngân sách địa phương, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, các vấn đề về an sinh xã hội…

"Thái Nguyên có 4 vùng trà đặc trưng được mệnh danh là "tứ đại danh trà" bao gồm Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh. Không chỉ nổi tiếng về chất lượng trà, công nghệ chăm sóc, chế biến trà, các vùng trà này đều có cảnh quan đẹp, thuận lợi cho xây dựng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa trà", ông Ngọc cho hay.

Trong kế hoạch phát triển du lịch nội địa của tỉnh, các chương trình hoạt động, sản phẩm tour, tuyến luôn bám sát thực tiễn để phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương.

Nắm bắt được nhu cầu tham quan, mua sắm sản phẩm nông sản tại điểm đến của người dân, du khách, ngành du lịch Thái Nguyên đã tiến hành họp, bàn thảo với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch nhằm tạo liên kết thành một chuỗi cung ứng - dịch vụ, tạo ra được giá thành tối ưu và đảm bảo chất lượng, hài lòng du khách.

Tuy vậy, trên thực tế, Thái Nguyên vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc biến những tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch có tính chất hàng hóa, có thể lập tức tạo nguồn thu cho người dân địa phương.

Hiện tại, tổng doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt chưa tới 1.000 tỷ, có thể nói kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế mà địa phương đang sở hữu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa đạt như mong muốn, như cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa có dịch vụ lưu trú đẳng cấp, toàn tỉnh chưa có khách sạn 5 sao; các sản phẩm du lịch chưa đậm chất Thái Nguyên; các tiềm năng du lịch thế mạnh của Thái Nguyên chưa được đầu tư mạnh... Tuy nhiên, hạn chế này đang được khắc phục, ngành du lịch Thái Nguyên đã có những định hướng để phát huy tiềm năng lợi thế trong những năm tới.

"Hiện nay ngoài du lịch truyền thống, Thái Nguyên cũng đã triển khai các hình thức du lịch mới nhằm thu hút du khách, có thể kể đến như du lịch thám hiểm hang động, đây là một trong những nội dung rất đáng được quan tâm. Khảo sát do tỉnh tiến hành mới đây với sự tham gia của các chuyên gia Hiệp hội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh cho thấy, nhiều hang động cực kỳ hấp dẫn, có đủ điều kiện để đưa vào khai thác và phát triển loại hình du lịch thám hiểm. Cụ thể như hang Chùa thuộc Đồng Hỷ; hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà ở thuộc huyện Võ Nhai…và rất nhiều hang động tiềm năng khác", ông Ngọc chia sẻ.

Dựa trên những kết quả khảo sát cho thấy, với tiềm năng thế mạnh của mình, Thái Nguyên đã xác định đó mũi đột phá về du lịch của địa phương trong những năm tới chính là tập trung xây dựng sản phẩm tour khám phá hang động.

Bên cạnh đó, loại hình du lịch Golf cũng được thúc đẩy. Theo quy hoạch của Thái Nguyên, từ nay đến 2030, toàn tỉnh sẽ có 8 sân golf từ 18 hố trở lên..

Đặt nhiều kỳ vọng với những sản phẩm du lịch mới, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên cho rằng du lịch khám phá hang động sẽ là sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc, có thể tạo bước đột phá trong du lịch của tỉnh.

Thái Nguyên đã thực hiện khá tốt công tác cải cách hành chính; thu hút những nhà đầu tư có năng lực, có tầm nhìn. Qua những chương trình xúc tiến đầu tư, Thái Nguyên đã mời gọi những tập đoàn lớn, uy tín, đến đầu tư vào Thái Nguyên. Việc đầu tư phát triển du lịch tại Thái Nguyên bước đầu có sự khởi sắc, như tập đoàn Flamingo, FLC, Tân Hoàng Minh, TLG… đã đến khảo sát và đăng ký đầu tư những khu resort, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp cùng một số loại hình dịch vụ mới.

Thái Nguyên cũng đã từng bước ứng dựng công nghệ 4.0, xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh nhằm truyền tải và quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của dịch Thái Nguyên, các cơ chế chính sách và các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên, qua đó tạo nguồn thông tin đầy đủ để các doanh nghiệp, du khách tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Thái Nguyên.

Việt Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kham-pha-hang-dong-san-pham-du-lich-moi-cua-thai-nguyen-2024122420341639.htm