Khám phá IL-76, máy bay vận tải 43 tuổi vẫn được Tổng thống Nga tin tưởng vừa đến Đà Nẵng
Mặc dù có tuổi đời đã hơn 4 thập kỷ, song Ilyushin Il-76 vẫn là mẫu máy bay được sử dụng rộng rãi tại Nga và thường được sử dụng để vận chuyển trang thiết bị và hàng hóa phục vụ các chuyến công du của Tổng thống Nga.
Năm 1967, Ilyushin bắt đầu phát triển loại máy bay vận tải có khả năng mang theo 40 tấn hàng hóa với tầm bay trên 5.000 km trong vòng 6 tiếng, đồng thời có thể hoạt động với đường băng dã chiến cũng như có khả năng cất và hạ cánh trong mọi loại điều kiện thời tiết, đặc biệt là kiểu thời tiết ở khu vực Siberi và khu vực Bắc Cực nhằm thay thế An-2.
Chuyến bay đầu tiên mà Ilyushin IL-76 thực hiện vào tháng 3/1971, sau đó nhiệm vụ sản xuất mẫu máy bay này được giao cho Liên hợp Sản xuất Hàng không Tashkent đặt tại Taskent, Uzbekistan (khi đó là nước cộng hòa thuộc Liên Xô). Tại đây có khoảng 860 chiếc Il-76 được sản xuất.
Chiếc Il-76 đầu tiên được giao cho Không quân Liên Xô vào tháng 6/1974 và trở thành một trong những mẫu máy bay vận tải chiến lược của lực lượng này. Kể từ năm 1976, hãng hàng không Aeroflot chính thức đưa Il-76 vào khai thác.
Trong giai đoạn từ 1979 đến 1991, máy bay vận tải Il-76 của Không quân Liên Xô đã thực hiện 14.700 chuyến bay đến Afghanistan, mang theo 786.200 quân nhân và 315.8000 tấn hàng hóa. Phiến quân tại Afghanistan khi đó không thể bắn hạ được Il-76 khi chiếc máy bay này đang bay, và thậm chí kể cả khi sử dụng các loại tên lửa vác vai hay súng máy hạng nặng, Il-76 vẫn chịu được được thiệt hại và hoạt động bình thường.
Vào những năm 1990, các phiên bản hiện đại hóa của Il-76 ra đời với động cơ Soloviev D-30, tuy nhiên phiên bản kích thước lớn hơn của Il-76 không được sản xuất hàng loạt do khi ấy Không quân Nga đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Mẫu thử nghiệm của Il-76MF cất cánh lần đầu vào tháng 8/1995, nhưng sau đó toàn bộ chương trình bị ngừng lại vào cuối những năm 1990.
Có nhiều phiên bản Ilyushin IL-76 phục vụ trong dân sự lẫn quân sự, hiện Nga là nước sử dụng nhiều máy bay Il-76 nhất, trong đó riêng lực lượng không quân Nga đang vận hành khoảng 119 chiếc Il-76 các phiên bản. Il-76 được phát triển thành máy bay tiếp liệu Il-78, máy bay cảnh báo sớm Beriev A-50 và Beriev A-100. Trung Quốc cũng sản xuất Il-76 dưới sự cho phép của Nga, máy bay này mang tên KJ-2000.
Video: Không quân Nga thả dù thiết giáp đổ bộ đường không BMD-2 từ Ilyushin Il-76
Ngoài ra, Nga còn sản xuất phiên bản máy bay chữa cháy, máy bay vận tải khu vực Bắc Cực và máy bay mô phỏng điều kiện không trọng lực cho phi hành gia trên cơ sở Il-76. Từ năm 2004, một số mẫu Il-76 phục vụ trong ngành hàng không dân sự được hiện đại hóa thành Il-76TD-90VD với động cơ PS-90 nhằm đáp ứng yêu cầu về giới hạn tiếng ồn của châu Âu.
Năm 2010, Ilyushin thông báo việc sản xuất máy bay Il-76 phiên bản hiện đại hóa, Il-76MD-90A hay còn được biết đến với tên gọi Đề án Il-476. Việc sản xuất phiên bản Il-76 này do nhà máy Aviastar tại Ulyanovsk, Nga thực hiện và có sự hợp tác với các nhà máy tại Taskent, Uzbekistan. Chiếc Il-76MD-90A đầu tiên xuất xưởng vào ngày 16/6/2014 và quân đội Nga là khách hàng đầu tiên.
Trong lịch sử 43 năm phục vụ của mình, Ilyushin IL-76 còn có màn thoát thân ngoạn mục trong Sự kiện Airstan. Ngày 3/8/1995, tiêm kích MiG-21 của lực lượng Taliban ép 1 chiếc Il-76TD số hiệu RA-76842 phải hạ cánh xuống sân bay Kandahar. Lực lượng Taliban bắt giữ 7 thành viên phi hành đoàn của chiếc máy bay xấu số này.
Trong suốt 1 năm bị giam giữ, phi hành đoàn của chiếc Il-76TD đã lên kế hoạch tẩu thoát. Thành viên phi hành đoàn được phép đến bảo trì chiếc máy bay, nhưng họ bí mật chuẩn bị cho chuyến bay tẩu thoát. Vào ngày 16/8/1995, khi một nửa lực lượng phiến quân canh giữ đi cầu nguyện vào buổi chiều, những người Nga tấn công những kẻ canh giữ, sau đó họ khởi động máy bay và nhanh chóng cất cánh khỏi sân bay tại Kandahar. Cả 7 thành viên phi hành đoàn đều thoát nạn.
Il-76 hiện vẫn được tin tưởng sử dụng ở nhiều quốc gia, chủ yếu là Nga và một số quốc gia từng thuộc Liên Xô, ngoài ra còn chiếc máy bay này còn được sử dụng tại một số quốc gia khác như Triều Tiên, Cuba, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Iraq. Liên Hợp Quốc cũng sở hữu và sử dụng một số chiếc Il-76 cho các chiến dịch nhân đạo, và Mỹ có một số chiếc Il-76/78 phục vụ chữa cháy.
Thành viên phi hành đoàn của Il-76 là 5 người, chiếc máy bay vận dải này có chiều dài 46,59m và sải cánh 50,5m. Tùy vào phiên bản, Il-76 có tải trọng khác nhau: Il-76M có thể mang theo 42 tấn hàng hóa, Il-76MD có thể mang theo 48 tấn hàng hóa và phiên bản mới nhất Il-76MD-90A có thể mang theo đến 60 tấn hàng hóa.
Tốc độ tối đa của Il-76 là 900 km/h với tầm bay 5.000 km (phiên bản Il-76MD-90A/TD-90VD) hoặc 4.000 – 4.4000 km (Il-76M/T, Il-76MF/TF, Il-76MD/TD). Một số mẫu Il-76 phiên bản quân sự được trang bị 2 pháo 23 mm với radar chỉ thị mục tiêu, và có giá treo bom dưới cánh có thể mang theo 500 kg bom các loại.
Máy bay vận tải Il-76 thường được sử dụng để vận chuyển trang thiết bị và hàng hóa phục vụ cho các chuyến công du của Tổng thống Nga. Ngày 6/11, chiếc Il-76MD số hiệu RA-76669 của Không quân Nga đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, mang theo trang thiết bị và hàng hóa phục vụ chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017.