Khám phá lịch sử qua hành trình cổ vật gốm

NXB Giáo dục Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn sách 'Hữu duyên cùng gốm cổ' của tác giả Phạm Dũng. Cuốn sách 'Hữu duyên cùng gốm cổ' chở theo mong mỏi của tác giả Phạm Dũng là ngày càng có thêm nhiều người hiểu về gốm, yêu gốm, từ đó biết nâng niu, gìn giữ cổ vật mà cha ông để lại, cũng là gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.

 Bìa cuốn sách

Bìa cuốn sách

Cuốn sách không đơn thuần là câu chuyện cá nhân của một nhà sưu tầm gốm, mà trong hành trình tìm kiếm cổ vật ấy hiện hữu cả một lịch sử của ngành gốm nước Việt, suốt từ thời Bắc thuộc, thời Lý - Trần, Lê - Mạc cho đến ngày nay. Mỗi hình dáng, sắc màu, họa tiết hoa văn của các sản phẩm gốm kể một câu chuyện lịch sử của giai đoạn mà nó sinh ra, thời gian nào, triều đại nào, kỹ thuật chế tác hay công dụng ra sao...

Cụ thể, sự phát triển của gốm xây dựng thời nhà Lý với nhiều loại hình khác nhau đã minh chứng cho việc "ngoài xây dựng nhiều công trình kiến trúc như cung điện, lầu gác, tháp quán, văn miếu, kho tàng, tu viện và chùa chiền thì ngay cả đến việc nung ngói lợp nhà cho dân cũng được triều đình quan tâm” khi nhà vua “xuống chiếu cho thiên hạ nung ngói làm nhà”. Sự có mặt của gốm ở các bến cảng ngày xưa như cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), cảng Đền Huyện (Hà Tĩnh)... đã nói lên rằng, sự mở mang quan hệ ngoại thương của nước ta đối với các nước láng giềng đã có từ rất sớm.

Trải qua thời gian, nhiều cổ vật gốm Việt đã bị mất. Theo nhà sưu tầm Phạm Dũng, cho đến những năm tám mươi của thế kỷ XX, do chính sách mở cửa, qua nhiều kênh thông tin, chúng ta mới biết rằng gốm cổ Việt Nam từ lâu đã được nhiều quốc gia chú ý và được giới thiệu ra nước ngoài bằng nhiều con đường. Gốm cổ Việt Nam dần bừng sáng trước sự ngỡ ngàng của nhiều tầng lớp trong xã hội, bằng vẻ đẹp tiềm tàng cùng những giá trị của nó.

Mong muốn chia sẻ niềm đam mê và những hiểu biết của mình về gốm cổ Việt Nam, cuốn sách “Hữu duyên cùng gốm cổ” đã được tác giả Phạm Dũng ấp ủ hơn hai mươi năm qua.

B.M (g/t)

2,316

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/kham-pha-lich-su-qua-hanh-trinh-co-vat-gom-91572.html