Khám phá mối giao thoa giữa nghệ thuật đương đại và giá trị di sản
Diễn ra trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của cuộc thi 'UOB Painting of the Year' năm thứ ba tại Việt Nam, tọa đàm về hội họa với chủ đề 'Đương đại trên nền di sản' đã cung cấp những góc nhìn đa chiều và sâu sắc về cách thực hành nghệ thuật sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân nhưng vẫn giữ gìn được tinh hoa mỹ thuật Việt.

Tọa đàm “Đương đại trên nền di sản” thu hút đông đảo nghệ sĩ và công chúng tham gia.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã khẳng định vai trò của truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là những giá trị của mỹ thuật Đông Dương đối với nền nghệ thuật Việt Nam nói chung cùnng với việc tiếp thu và ứng dụng di sản trong việc hình thành phong cách của mỗi nghệ sĩ nói riêng.
Sáng tạo mới trên nền tảng bản sắc là cách những nghệ sĩ đương đại diễn giải lại, làm mới hoặc tái tạo di sản văn hóa, nhưng không phá vỡ mà nâng đỡ, phát triển giá trị cũ thông qua một hình thức mới.
Việc trân trọng, tiếp thu và thể hiện di sản truyền thống là điều cốt lõi trong sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam, bởi đây là một kho tàng sống động được tạo nên qua nhiều thế hệ và mang đậm bản sắc của dân tộc, cũng là nền móng vững chắc để nghệ thuật nước nhà tiếp tục vươn ra thế giới.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng, khi khai thác truyền thống, các nghệ sĩ cần trải qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo kỹ lưỡng, phải biết tiếp thu cái truyền thống để làm xuất hiện những giá trị mới và có được những đóng góp mới hơn cho nghệ thuật.
“Chúng ta nên đến với nghệ thuật một cách hồn nhiên với sự hiểu biết, sự trong sáng và sáng tác trên nền tảng truyền thống với một tấm lòng biết ơn thì lúc đó chúng ta đã có một sự đóng góp nào đấy cho mỹ thuật Việt Nam”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, sáng tạo trên nền di sản không phải khi nào cũng là con đường thuận lợi cho các nghệ sĩ. Theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, nếu người nghệ sĩ không đủ khả năng để khai thác di sản, không đủ bản lĩnh nghề nghiệp sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng này trong một quá trình nhất định, đặc biệt là lúc nghệ sĩ mới bắt đầu vào nghề thì mang ý nghĩa tích cực, nhưng sẽ không tốt nếu người nghệ sĩ muốn phát triển lâu dài và muốn khẳng định mình.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa chia sẻ về việc khai thác di sản trong sáng tạo nghệ thuật.
Qua thực tế một số cuộc thi có thể thấy, nhiều họa sĩ trẻ thể hiện mình rất có khả năng, năng lực, có cách nhìn tốt, ý tưởng hay nhưng khi thể hiện bằng các tác phẩm cụ thể lại có sự lúng túng, thiếu cách nhìn riêng khi nói lên được quan điểm của mình.
Trong thời đại công nghệ, đôi khi vì dễ dàng tiếp cận với nhiều góc nhìn khác nhau của nghệ thuật nên nhiều nghệ sĩ đã đưa vào tác phẩm quá nhiều thông tin, khiến chúng trở nên bị nhồi nhét, người xem thì khó có thể cảm nhận.
Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng cho rằng, các nghệ sĩ không nên sa đà, lạm dụng truyền thống hay hiện đại, cảm giác thích thú từ một ý tưởng thu nhặt được trong một cuốn sách, trên internet hay một vài tín hiệu về di sản rất dễ lấn át cảm xúc, ý chí của sự sáng tạo. Để khai thác di sản truyền thống, các nghệ sĩ cần có sự tỉnh táo, bản lĩnh sáng tạo và khả năng nghề nghiệp của người nghệ sĩ.
Tọa đàm không chỉ là dịp để nhìn lại vai trò của truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn mở ra một diễn đàn giá trị, nơi các nghệ sĩ cùng thảo luận về con đường phát triển bền vững – sáng tạo mới trên nền tảng bản sắc.
Với họa sĩ Ngô Văn Sắc, thách thức của những người nghệ sĩ hiện nay là trong cuộc sống đương đại với những mâu thuẫn có thể trong nội tâm hoặc trong xã hội, nghệ sĩ làm cách nào để truyền tải được chúng đó lên tác phẩm cũng là điều quan trọng.
Theo họa sĩ, việc quan trọng nhất trong thực hành nghệ thuật của người nghệ sĩ là sự chuyên tâm, không nhất thiết phải đưa ra được cái gì mới mà có thể là trong quá trình sáng tác miệt mài, cá nhân nghệ sĩ tìm ra được con đường riêng của mình với sự cần mẫn.
“Đương đại trên nền di sản là gợi ý rất thú vị, lối sống, văn hóa, kiến trúc,... chúng ta tiếp xúc hàng ngày đó chính là những di sản, đó là điều mà các họa sĩ phải khai thác cũng như đưa ra cái nhìn thẩm mỹ của cá nhân mình để tạo ra được cái riêng, đưa ra được cái mới”, họa sĩ Ngô Văn Sắc nói.
Các diễn giả cũng khẳng định, nghệ thuật Việt Nam luôn có chỗ đứng không hề thua kém so với khu vực về cả số lượng nghệ sĩ và chất lượng tác phẩm. Yếu tố quan trọng nhất là tác phẩm nghệ thuật phải toát ra được vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của thẩm mỹ cùng với vẻ đẹp của thời đại.

Công chúng tham quan triển lãm các tác phẩm "UOB Painting of the Year" năm 2024.
Trong dịp này, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm các tác phẩm thắng giải và tác phẩm chung khảo của cuộc thi "UOB Painting of the Year" năm 2024.
Theo đó, triển lãm giới thiệu tới công chúng 6 tác phẩm thắng giải ở hai hạng mục Nghệ sĩ Thành danh và Nghệ sĩ triển vọng, cùng 5 tác phẩm chung khảo. Trong đó, hai tác phẩm đáng chú ý là Dòng chảy của họa sĩ Nguyễn Việt Cường, giải thưởng cao nhất “UOB Painting of the Year” năm 2024 và Doraeco của họa sĩ Phan Tú Trân, giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất.

Dòng chảy - Nguyễn Việt Cường; chất liệu than đá, bột gạo và keo trên toan; kích thước: 150x150cm

Doraeco - Phan Tú Trân, chất liệu tổng hợp trên vải nhung đỏ, ván nhựa durabo và thổi bóng bảo vệ bằng vật liệu epoxy; kích thước: 98x107cm.
Triển lãm mở cửa cho công chúng tham quan đến hết ngày 19.5.2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Khởi động vuộc thi "UOB Painting of the Year" năm 2025
Cuộc thi "UOB Painting of the Year" năm 2025 tại Việt Nam cũng vừa chính thức được khởi động. Cuộc thi dành cho tất cả công dân và thường trú nhân Việt Nam tham gia với tác phẩm được sáng tác trong vòng hai năm trở lại đây và chưa từng được trao giải ở một cuộc thi khác.
Tác phẩm dự thi là nguyên bản, mỗi nghệ sĩ được gửi dự thi một tác phẩm duy nhất với kích thước được khuyến nghị không quá 180 cm mỗi chiều. Bài dự thi vòng sơ khảo sẽ được gửi dưới dạng hình chụp kỹ thuật số.
Ban Tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 7.5 đến hết ngày 1.8.2025.
Những người đạt giải cuộc thi "UOB Painting of the Year" năm thứ ba tại Việt Nam sẽ được công bố vào tháng 10.2025. Người chiến thắng cao nhất tại Việt Nam sẽ giành được giải thưởng trị giá 500 triệu đồng và có cơ hội tranh giải thưởng danh giá UOB Painting of the Year khu vực Đông Nam Á, cũng như cơ hội được lựa chọn tham gia vào một chương trình lưu trú nghệ thuật đặc biệt.
Lễ trao giải cấp khu vực sẽ được diễn ra tại Singapore vào tháng 11 năm nay. Tác phẩm thắng giải cao nhất tại Việt Nam ở hai hạng mục Triển vọng và Thành danh sẽ được triển lãm tại Phòng trưng bày Quốc gia Singapore.
Bên lề cuộc thi, UOB còn tạo điều kiện và đồng hành cùng các nghệ sĩ Việt Nam tham dự các sân chơi nghệ thuật khu vực, như Art Jakarta tổ chức tại Indonesia, hay Art Central tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc), nơi quy tụ rất nhiều các tài năng nghệ thuật trên khắp châu Á.
Các nghệ sĩ trong cộng đồng UOB Painting of the Year qua các năm cũng có thể tham gia chương trình UOB Art Alumni Network với nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng như: đặt hàng sản xuất các tác phẩm để trưng bày hoặc đấu giá, triển lãm tác phẩm đến công chúng và khách hàng của UOB, các chương trình lưu trú ở nước ngoài và hội thảo nghệ thuật khu vực.
Bài và ảnh: Hương Thảo