Khám phá mới về lịch sử loài người cổ đại ở khu vực Trung Á

Một nơi trú ẩn bằng đá mới được phát hiện ở Tajikistan có các hiện vật được người cổ đại tạo tác trong suốt quãng thời gian khoảng 130.000 năm.

Địa điểm khảo cổ nơi phát hiện di tích của người cổ đại ở gần sông Zeravshan (Tajikistan). (Nguồn: Live Scicence)

Địa điểm khảo cổ nơi phát hiện di tích của người cổ đại ở gần sông Zeravshan (Tajikistan). (Nguồn: Live Scicence)

Dọc theo một con suối ở Tajikistan, các nhà khảo cổ vừa phát hiện một nơi trú ẩn bằng đá, có thể là nơi cư ngụ của người Neanderthal, người Denisovan và người Homo sapiens cổ đại (tổ tiên của loài người hiện đại) trong quãng thời gian kéo dài khoảng 130.000 năm.

Các nhà khảo cổ học từ lâu biết rằng con người ở thời kỳ đồ đá đã từng di cư qua Hành lang núi Nội Á (IAMC) của vùng Trung Á. Họ từng tìm kiếm hài cốt của người cổ Neanderthal, dấu tích của người Denisovan và người Homo sapiens cổ đại ở khu vực này trong nhiều năm.

“IAMC đã trở thành địa điểm mà các nhóm di cư của người cổ đại có thể đã gặp và tương tác với nhau”, các nhà nghiên cứu cho biết trong một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 11/11 trên Tạp chí Cổ vật.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Yossi Zaidner, Giảng viên cao cấp tại Viện Khảo cổ học thuộc Đại học Do Thái Jerusalem, cho biết: “Khu vực này có thể từng là tuyến đường di cư của một số chủng người, chẳng hạn như người Homo sapiens, người Neanderthal hoặc người Denisovan”.

Ông Zaidner cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các địa điểm thời kỳ đồ đá dọc theo sông Zeravshan, một con sông lớn ở Trung Á. Cuối cùng, họ phát hiện được hai địa điểm với nhiều di vật cho thấy những chủng người khác nhau đã chiếm giữ khu vực này vào những thời điểm khác nhau.

Năm 2023, nhóm khai quật khu vực Soii Havzak, nằm dọc theo một nhánh nhỏ của sông Zeravshan. Họ phát hiện nhiều loại công cụ bằng đá bao gồm đá lửa, lưỡi dao và các mảnh đá vụn, xương động vật, than củi, cho thấy người cổ đại đã biết sử dụng lửa từ 150.000 năm trước.

"Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu sẽ tiết lộ những hiểu biết mới về cách các nhóm người cổ đại khác nhau có thể tương tác với nhau ở khu vực này như thế nào. Khám phá này là một bước đi quan trọng, hướng tới sự hiểu biết về lịch sử loài người cổ đại ở Trung Á", ông Zaidner cho hay.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, thung lũng Zeravshan rất có thể từng là khu vực di cư quan trọng của loài người, bao gồm quá trình di cư của chủng người Homo sapiens cổ đại từ châu Phi sang châu Á trong thời gian này.

(theo Live Science)

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kham-pha-moi-ve-lich-su-loai-nguoi-co-dai-o-khu-vuc-trung-a-293465.html