Khám phá ''Nam thiên đệ nhị động''

Tam Cốc - Bích Động là quần thể hang động ở vùng đất xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Địa danh này còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như 'vịnh Hạ Long trên cạn' hay 'Nam thiên đệ nhị động' là một khu du lịch trọng điểm quốc gia. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần. Quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc được Thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Du khách khám phá Tam Cốc bằng thuyền dọc sông Ngô Đồng

Du khách khám phá Tam Cốc bằng thuyền dọc sông Ngô Đồng

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động có diện tích tự nhiên 350,3 ha, cách thành phố Ninh Bình 7 km. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động gồm nhiều tuyến tham quan bằng phương tiện thuyền, xe đạp và đi bộ nối khoảng gần 20 điểm du lịch. Các tuyến chính của khu du lịch gồm tuyến bến Văn Lâm - Sông Ngô Đồng - Tam Cốc; Tuyến Xuyên thủy động (xuyên dưới Bích Động); Tuyến Thạch Bích - thung Nắng. Các điểm du lịch đi bộ, xe đạp và leo núi gồm núi và chùa Bích Động, động Tiên; hang Múa; khu nhà cổ Cố Viên Lầu, đền Thái Vi - động Thiên Hương...

Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều vẫn còn giữ nguyên vẹn nét thiên nhiên tự tạo mà không hề có sự tác động của bàn tay con người như quần thể danh thắng Tràng An. Tam Cốc được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng êm đềm chảy hiền hòa uốn lượn như dải lụa xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá ủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia. Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền ở bến là những chiếc thuyền mộc mạc bằng gỗ của người dân địa phương đóng và tham gia hợp tác xã để cùng với khu du lịch phục vụ du khách. Người dân trong những xóm xung quanh cũng chính là những người sẽ chèo thuyền đưa du khách khám phá trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thủy, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng vô cùng xinh đẹp, 2 bên là cánh đồng lúa xanh, chuyển vàng vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6. Một vài đoạn trên dòng sông Ngô Đồng là một đầm sen rộng lớn sẽ bung nở rất đẹp vào khoảng tháng 10. Có thể nói rằng, hai bên dòng Ngô Đồng là cả khung cảnh miền quê rất đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Điều đặc biệt hơn nữa là cánh đồng Tam Cốc được hình thành từ quá trình khai hoang, lao động của người dân kể từ thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên. Dọc con sông này, thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp cảnh người dân sáng sớm hay xế chiều mang quần áo ra bờ sông giặt giũ, những cô thôn nữ đi làm đồng về ra rửa chân, và cả những đứa trẻ nhảy cầu tắm sông vào những buổi chiều. Cảm giác yên bình, nên thơ đến lạ…

Trước cửa một hang động ở Tam Cốc

Trước cửa một hang động ở Tam Cốc

Bích Động cách bến đò Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do Tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động”, cụ thể Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam, đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động) ở Kẽm Trống. Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.

Chùa Bích Động được hình thành từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê với quy mô là một ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi. Năm 1705, có hai vị hòa thượng Trí Kiên và Trí Thể quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm 1707, hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202206/kham-pha-nam-thien-de-nhi-dong-3120052/