Khám phá những cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Đà Lạt
Sau nhiều tựa sách về Đà Lạt được bạn đọc yêu thích như: Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách (tản văn), Đà Lạt bên dưới sương mù, và đặc biệt là tập biên khảo công phu Đà Lạt một thời hương xa (tái bản 6 lần trong 5 năm); mới đây, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục trình làng tập biên khảo mới nhất của mình: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (NXB Trẻ ấn hành).
Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ có nội dung trải dài trong lịch sử hình thành, phát triển Đà Lạt từ khởi thảo đô thị cho đến thời kỳ hoàng kim văn hóa, để lại nhiều dấu ấn. Đây là cuốn sách thứ 5 và là công trình khảo cứu độc lập thứ ba của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt.
Cuốn sách kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Những cuộc gặp gỡ là cơ duyên làm nên Đà Lạt yêu dấu của bao người, làm nên một phần văn hóa, cốt cách, căn tính của một đô thị đúng nghĩa.
Cuộc gặp của hai người Pháp có công khai sinh thành phố, của những nông dân Pháp - Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp những tao nhân mặc khách, những chính khách, quý tộc thượng lưu, những bác sĩ quốc tế, những nhà môi trường học, dân tộc học…
Những câu chuyện này mang tới một hình ảnh khác, một hình dung mới, “những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả” của thành phố cao nguyên mộng mơ.
Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ góp phần làm rõ một khía cạnh văn hóa làm nên tính cách đặc thù Đà Lạt: sự trung lập, hài hòa và lịch thiệp, sẵn sàng tiếp cận và nối kết các khuynh hướng văn hóa, chính trị, quan điểm… Đà Lạt được đặt trong tương quan với những khu lân cận, những thành phố khác, sự dịch chuyển phức tạp của lịch sử.
Bên cạnh đó, những cuộc gặp gỡ thú vị (như giữa thi sĩ Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, giữa hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, giữa chính trị gia Doumer và nhà khoa học Yersin…) cùng những bài viết mô tả các biểu tượng kiến trúc, các hình thái sinh hoạt văn hóa, lần tìm các dấu tích… sẽ tái hiện những giá trị nhân văn của Đà Lạt.
Tác phẩm Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ cùng với Đà Lạt, một thời hương xa và Đà Lạt, bên dưới sương mù làm nên một bộ ba khảo cứu kéo dài gần 10 năm mà tác giả đã đi tìm kiếm Đà Lạt theo một cách riêng, mở một lối đi khác biệt để khám phá, cảm nhận và thấu đạt nội tâm của một đô thị.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kham-pha-nhung-cuoc-gap-go-dac-biet-o-da-lat-708503.html