Khám phá những không gian sáng tạo đặc sắc

Với số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước, không quá tự hào khi nói rằng Hà Nội là vùng đất của sáng tạo.

Khám phá một vài không gian sáng tạo đặc sắc ở Thủ đô thời điểm xuân mới Giáp Thìn 2024 đang về để thấy rõ hơn “luồng gió mới” đang thổi bùng lên ngọn lửa sáng tạo trong mỗi con người, mỗi tấc đất của Thủ đô.

Tổ hợp Complex 01 “đánh thức” di sản công nghiệp. Ảnh: Complex 01

Tổ hợp Complex 01 “đánh thức” di sản công nghiệp. Ảnh: Complex 01

Tổ hợp Complex 01 - đánh thức di sản công nghiệp

Nằm ở địa chỉ số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa, xen giữa khu dân cư, Tổ hợp Complex 01 sẽ là một bất ngờ nho nhỏ với những ai xa Hà Nội lâu ngày. Trước kia, công trình này là Nhà máy In Công đoàn, xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau khi thực hiện chủ trương di dời các nhà máy công nghiệp khỏi nội đô, nơi đây bị bỏ hoang, xuống cấp.

Năm 2020, công trình được sửa chữa, cải tạo thành một không gian sáng tạo mang dáng dấp hiện đại, dẫu vậy vẫn giữ được vẻ đẹp gợi nhớ ký ức xưa cũ với những chiếc cầu thang sắt hoen gỉ, những bức tường gạch thô không trát và cả tấm băng rôn ghi khẩu hiệu: “Máy in màu số 2 phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 35.000 tờ in/ca”...

Tổ hợp Complex 01 được xây dựng theo mô hình Community Mall (Tổ hợp cộng đồng) cùng tinh thần “time to connect” (kết nối) với 4 nhóm hoạt động chính: Mua sắm, ẩm thực, workshop và sự kiện. Theo đơn vị chủ quản, Tổ hợp Complex 01 đang nỗ lực mang đến một không gian sinh hoạt thiết yếu cho cộng đồng, qua đó tạo nên một không gian văn hóa phát triển bền vững để mỗi người đều có thể đến và trở thành một phần của “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.

Tính kết nối cộng đồng cao được thể hiện qua việc phân chia không gian mở, đa chức năng. Có thể là sân khấu cho những buổi hòa nhạc lớn với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ như hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” năm 2021, lại cũng có những không gian nhỏ cho các hoạt động quy mô chỉ hơn chục người... Nơi đây cũng có thể “biến hình” thành hội chợ sách, hội chợ bày bán đồ thủ công, trao đổi đồ cũ, ra mắt sản phẩm, máy móc công cụ..., hoặc trở thành địa điểm kết nối các hoạt động văn hóa xã hội như talkshow về bình đẳng giới; workshop vẽ tranh, cắm hoa, làm mặt nạ giấy, vẽ túi, nặn tò he, in tranh Đông Hồ… Thường xuyên hơn cả là các hoạt động chiếu phim, âm nhạc, trình diễn thời trang, triển lãm...

Khi không có sự kiện, nơi đây là một không gian làm việc mở được bạn trẻ ưa thích. Gọi cho mình một món đồ ăn, đồ uống nhẹ nhàng với chi phí rất phải chăng là có được một chỗ làm việc thoáng đãng giữa đô thị ồn ào. Tổ hợp Complex 01 cũng là điểm check-in của giới trẻ với rất nhiều góc bài trí độc đáo.

Có thể nói, Tổ hợp Complex 01 là bước đi tiên phong thành công trong việc “đánh thức di sản công nghiệp” và truyền cảm hứng để Hà Nội tiếp tục tạo ra nhiều không gian sáng tạo mới từ việc tái thiết những nhà máy, xí nghiệp cũ trong nội đô, qua đó góp phần lưu giữ ký ức, tạo ra giá trị văn hóa, đóng góp vào nền kinh tế sáng tạo và sự phát triển bền vững của đô thị.

Du khách quốc tế trải nghiệm tại Vụn Art.

Du khách quốc tế trải nghiệm tại Vụn Art.

Vụn Art - mô hình sáng tạo bền vững

Ghi dấu ấn đặc biệt với du khách là Hợp tác xã Vụn Art, số 16 phố Lụa, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Nằm giữa làng lụa truyền thống, Vụn Art ra đời năm 2017 và đã tạo được dấu ấn riêng nhờ sự sáng tạo trong mọi quy trình.

Vụn Art được thành lập, vận hành bởi một người khuyết tật vận động là anh Lê Việt Cường với mong muốn người khuyết tật sống được bằng sản phẩm do chính họ làm ra. Là người năng động, dám nghĩ dám làm, anh Cường cùng một số cộng sự là họa sĩ, giáo viên dạy người tự kỷ hình thành ý tưởng tái chế vải vụn của làng lụa thành những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm thời trang, lưu niệm, qua đó tạo việc làm cho người khuyết tật, góp phần bảo vệ môi trường và làm phong phú sản phẩm làng nghề.

Quan trọng hơn, những sản phẩm làm từ vải vụn đã gửi đi thông điệp: “Mỗi người khuyết tật là một mảnh ghép của cuộc sống, chỉ cần nỗ lực vượt khó vươn lên, họ sẽ là những mảnh ghép đẹp đẽ, hoàn chỉnh”.

Người khuyết tật đến với Vụn Art đều được đào tạo nghề miễn phí, được tạo cơ hội việc làm mang lại thu nhập. Hiện có hơn 30 người khuyết tật đang làm việc tại đây và Vụn Art đã giúp họ “thoát kén” khi tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.

Sản phẩm “made in Vụn Art” mang tính ứng dụng cao, được làm thủ công tỉ mỉ, giàu tính thẩm mỹ, vừa đậm nét văn hóa dân gian vừa mang hơi thở thời đại. Đó là những tranh lụa ghép vải có hình ảnh lợn, gà, đám cưới chuột (dòng tranh dân gian Đông Hồ); tranh tố nữ chơi đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, thổi sáo (dòng tranh làng Sình); cũng có tranh phong cảnh, chân dung các danh nhân hay tranh chân dung cá nhân làm theo đơn đặt hàng. Tương tự, các sản phẩm túi cũng có dòng dân gian và đương đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng…

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Phan Duy Dần:

“Yếu tố sáng tạo không chỉ giúp các làng nghề có sức sống mới, hấp dẫn khách tham quan trong nước, quốc tế, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu, giá trị sản phẩm”.

Bên cạnh đó, Vụn Art còn tổ chức các hoạt động sáng tạo, cung cấp tour trải nghiệm. Bằng cách này, không gian sản xuất, trưng bày sản phẩm của Vụn Art trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối văn hóa. Mới đây, Vụn Art đã đón đoàn sinh viên, giảng viên của Học viện Giáo dục kỹ thuật; đoàn sinh viên, giảng viên Trường Đại học Xã hội nhân văn Singapore đến tham quan, trải nghiệm… Ngoài ra, Vụn Art còn đưa sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá tại nhiều không gian sáng tạo khác.

Năm 2023, Vụn Art góp mặt trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; tổ chức workshop ghép tranh từ vải vụn với chủ đề “Ngày Quốc tế hòa bình” tại Trung tâm Hoa Kỳ Hà Nội; trưng bày chuyên đề “Những mảnh vải vụn” tại Bảo tàng Hà Nội… Trước đó, năm 2019, Vụn Art được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững (vừa giới thiệu văn hóa, vừa tạo việc làm cho nhóm yếu thế) theo tiêu chí của Liên hợp quốc.

Đón xuân Giáp Thìn, Vụn Art mang đến cho công chúng những sản phẩm sáng tạo mới đậm đà văn hóa dân tộc với biểu tượng rồng. “Chúng tôi luôn sáng tạo không ngừng dựa trên chất liệu của sản phẩm làng nghề lụa truyền thống, trên nền tảng văn hóa dân gian cộng hưởng cùng yếu tố đương đại. Đây cũng là cách tốt nhất để lao động khuyết tật của Vụn Art tăng thu nhập, nâng cao mức sống” - Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho hay.

Bảo tàng Hà Nội, quen mà lạ.

Bảo tàng Hà Nội, quen mà lạ.

Bảo tàng Hà Nội - quen mà lạ

Hòa vào mạng lưới không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội còn có những địa chỉ quen mà lạ. Quen bởi đó là hệ thống bảo tàng, nhà hát, triển lãm... có từ lâu; lạ bởi những nơi này được thổi luồng gió mới bằng các ý tưởng sáng tạo. Đáng chú ý, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) được lựa chọn làm trụ sở của Trung tâm Điều phối không gian sáng tạo Hà Nội. Đảm nhận vai trò này, Bảo tàng Hà Nội đã tích cực, chủ động đổi mới cách tiếp cận với công chúng.

Đến với Bảo tàng Hà Nội, khách tham quan vừa có cơ hội tìm hiểu lịch sử hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội qua hệ thống hình ảnh, tư liệu, hiện vật đồ sộ, vừa có thể cảm nhận nhịp sống đương đại của thành phố qua các không gian trưng bày chuyên đề, hoạt động trải nghiệm... Thời điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024, cùng lúc Bảo tàng Hà Nội giới thiệu nhiều nội dung trưng bày đan xen giữa xưa và nay, tự nhiên và xã hội, lịch sử và kiến trúc, mang đến trải nghiệm đa dạng cho công chúng.

Ông Võ Tuấn Kiệt (ở phường 15, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngắm nhìn những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp với công nghệ trình chiếu 3D Mapping, Media tại trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” trong không gian tầng 1 của bảo tàng, khách tham quan như lạc vào miền di sản. Qua đây, mọi người có thể hình dung bước đầu về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Tìm hiểu sâu hơn, lại thấy một Hà Nội nhộn nhịp, hối hả qua triển lãm “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế đương đại” với sự hiện diện của nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó là thế giới thiên nhiên kỳ vĩ hiện hữu qua triển lãm “Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch”…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng:

"Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo và là nơi có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước với 124 không gian văn hóa sáng tạo ở nhiều lĩnh vực đa dạng. Điều này mang đến cho Thành phố những ưu thế to lớn trong khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo cũng như làm giàu bản sắc, sức hấp dẫn cho đô thị trên nền tảng của các giá trị truyền thống”.

Đến Bảo tàng Hà Nội, giới trẻ được trải nghiệm và thỏa sức sáng tạo thông qua nhiều hoạt động. Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) cho hay, trong chuyến học tập thực tế tại Bảo tàng Hà Nội vào cuối năm 2023, các em đã háo sức sáng tạo nghệ thuật trên nón lá. Những tiết học nhờ đó hấp dẫn, dễ hiểu hơn nhiều.

Hiệu quả từ việc đổi mới sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội được khẳng định rõ qua lượng khách đến đây ngày một tăng. “Chúng tôi luôn nỗ lực đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm, trải nghiệm của công chúng trên nền tảng truyền thống kết hợp với các yếu tố hiện đại. Hai yếu tố này tương hỗ cho nhau để giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc…. của Thăng Long xưa, Hà Nội nay cùng thăng hoa, tỏa sáng” - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.

Không gian sáng tạo đa sắc màu tại VCCA. Ảnh: VCCA

Không gian sáng tạo đa sắc màu tại VCCA. Ảnh: VCCA

VCCA - đa sắc màu

Đã quen với công chúng từ lâu song chưa bao giờ khiến người xem hết ngạc nhiên, đó là Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA - tại Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Đây là nơi diễn ra nhiều triển lãm, hoạt động nghệ thuật để lại ấn tượng mạnh, thậm chí có những triển lãm mang tính tiên phong. Sứ mệnh mà không gian sáng tạo này đặt ra cho mình là trở thành nơi kết nối nghệ sĩ với cộng đồng, kết nối tác phẩm với người yêu cái đẹp, kết nối mỹ thuật đương đại Việt Nam với mỹ thuật đương đại thế giới. VCCA hướng tới mục tiêu sẽ là một trong những trung tâm nghệ thuật quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á.

Đến VCCA vào thời điểm chuyển giao năm 2023 sang năm 2024, du khách như được bước qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc lắng đọng, bồi hồi trước những âm thanh réo rắt của vĩ cầm, cello, clarinet… trong sự kiện hòa nhạc “Bóng tơ”, lúc như lạc vào không gian đa chiều, đa nghĩa khi xem triển lãm “Thủy triều cảm xúc” của nghệ sĩ Chiharu Shiota. Bằng nghệ thuật sắp đặt, nghệ sĩ người Nhật Bản đã sử dụng những con thuyền cũ của ngư dân Việt Nam và liên kết chúng lại bằng mạng lưới sợi chỉ đỏ. Mỗi con thuyền mang theo câu chuyện về biển cả, chứa đựng ký ức và trải nghiệm nên có ngụ ý gắn kết quá khứ và hiện tại. Còn những sợi chỉ đỏ đan xen vào nhau như những mối quan hệ xã hội, có thể bị cắt, bị rối hoặc thắt nút nhưng không thể tách rời nhau… Triển lãm thú vị này diễn ra đến hết tháng 3-2024.

Ngoài những sự kiện, chương trình nghệ thuật và triển lãm, toàn bộ diện tích gần 4.000m2của VCCA được bài trí vừa sáng tạo, vừa gần gũi, xóa nhòa khoảng cách giữa tác phẩm, không gian nghệ thuật, nghệ sĩ với công chúng. Đến đây, mỗi người được thỏa sức cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật theo cách riêng. Với những ai có “chất” nghệ sĩ và khả năng sáng tạo, họ như có thêm “chất xúc tác” để bật lên ý tưởng…

Để phát huy tiềm năng, khai thác tối đa các không gian sáng tạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang xây dựng Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội - hướng đến thành lập mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội. Bộ tiêu chí sẽ góp phần giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kham-pha-nhung-khong-gian-sang-tao-dac-sac-658131.html