Khám phá những 'oanh tạc cơ' phương Tây trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô
Khoảng 3.700 máy bay ném bom được phương Tây viện trợ cho Liên Xô trong Thế chiến 2, những vũ khí này góp phần không nhỏ vào chiến thắng của Hồng quân.
Trong Thế chiến 2, Liên Xô đã nhận được khoảng 3.700 máy bay ném bom từ các đồng minh phương Tây dưới dạng viện trợ quân sự. Hầu như tất cả chúng đều do Mỹ sản xuất và trong số này có hơn 20 máy bay là của Anh.
Dưới đây là danh sách một số loại máy bay ném bom mà các Đồng minh phương Tây đã viện trợ cho Liên Xô trong Thế chiến 2.
Máy bay Douglas A-20
Trong những năm chiến tranh, khoảng 2.800 máy bay ném bom Douglas A-20 của Mỹ với nhiều biến thể khác nhau đã đến Liên Xô. Thời điểm đó, số lượng máy bay A-20 trong Lực lượng Không quân Liên Xô còn nhiều hơn so với Lực lượng Không quân Mỹ.
Douglas A-20 có khả năng cơ động linh hoạt, tốc độ lên đến 510 km/h và dễ điều khiển, vì vậy các phi công Liên Xô rất thích máy bay ném bom này.
A-20 có buồng lái rộng rãi, ghế được bọc thép, vị trí của phi công và hoa tiêu có tầm nhìn tốt. Máy bay còn được trang bị đầy đủ thiết bị dẫn đường và vô tuyến điện hiện đại.
Tuy vậy, trang bị vũ khí của A-20 tương đối yếu. Các chuyên gia Liên Xô đã thay đổi súng máy 7,62 mm của Mỹ bằng súng máy UBT cỡ nòng 12,7 mm hoặc pháo ShVAK 20 mm.
Trong suốt thời gian chiến tranh, Hồng quân sử dụng A-20 làm máy bay trinh sát cho chiến dịch ném bom và đột kích ban đêm. Máy bay này cũng rất phù hợp để tác chiến trên biển, chúng thường được chuyển đổi thành máy bay phóng ngư lôi.
Các máy bay A-20 là thành phần chính trong không quân của Hạm đội Baltic, Phương Bắc, Biển Đen và Thái Bình Dương. Chiếc máy bay này đã đánh chìm tàu tuần dương phòng không “Niobe”, tàu tuần dương chiến đấu “Schlesien”, tàu tuần dương hậu cần “Orion”, một số tàu khu trục và tàu vận tải của hải quân Đức.
Máy bay B-25
Những chiếc máy bay ném bom B-25 “Mitchell” đầu tiên của Mỹ đến Liên Xô vào năm 1942. Tổng cộng, Không quân Hồng quân đã nhận được khoảng 860 chiếc với các phiên bản khác nhau.
Phi công Alexander Dudakov chia sẻ “Ấn tượng đầu tiên của phi công về chiếc máy bay này không được tốt cho lắm. Nhưng sau khi thử nghiệm, chúng tôi đã thay đổi thái độ. Máy bay thực sự dễ điều khiển, có tầm nhìn phía trước tuyệt vời. Việc điều khiển máy bay cất hạ cánh rất dễ dàng, cho phép các phi công trẻ nhanh chóng bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong số tất cả các loại máy bay tôi đã lái, B-25 là loại dễ tiếp cận nhất về kỹ thuật lái”.
Thời gian đầu, B-25 được Liên Xô sử dụng trong các khu vực tiền tuyến. Tuy nhiên, do kích thước cồng kềnh nên máy bay này dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng phòng không Đức, dẫn đến thương vong nhiều.
Vì vậy, B-25 được chuyển sang nhiệm vụ ném bom tầm xa. Trong các cuộc đột kích ban đêm, nhờ có thiết bị dẫn đường chính xác, tầm bay xa tới 2.170 km và mang được 2.800 kg bom, B-25 đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quân sự ở hậu phương và tấn công các trung tâm công nghiệp lớn của Đức Quốc xã.
Máy bay HP.52 Hampden
Máy bay ném bom Hampden của Anh còn được gọi "vali bay" vì bên trong máy bay khá chật chội, loại máy bay này hoạt động chủ yếu vào ban đêm, tuy nhiên Hampden không phù hợp với các cuộc không chiến hiện đại.
Không giống như các máy bay Mỹ, máy bay ném bom HP.52 Hampden không đạt được thành tích nào trên chiến trường Liên Xô. Ngay cả trong hành trình bay tới Liên Xô, những chiếc máy bay này cũng đã liên tục gặp những sự cố.
Hơn 30 chiếc Hampdens (phiên bản mang ngư lôi) khởi hành từ Scotland của Anh đến Murmansk của Liên Xô vào đầu tháng 9/1942, để bảo vệ đoàn tàu vận tải PQ-18 của quân Đồng minh ở Bắc Cực. Trong quá trình di chuyển, hai máy bay bị rơi ở Thụy Điển, bốn chiếc bị mất tích trên bầu trời Phần Lan, một chiếc bị rơi trên lãnh thổ Liên Xô do điều kiện thời tiết và một chiếc khác bị máy bay Liên Xô bắn hạ do nhầm là máy bay Đức.
Kết quả là chỉ có 23 máy bay Hampden đến được Liên Xô. Sau khi chiến dịch hộ tống kết thúc, các phi công Anh trở về quê hương và máy bay được bàn giao cho Liên Xô.
Ưu điểm của Hampden là cabin rộng rãi thoải mái. Các chuyên gia Liên Xô đã phải cải tiến nhiều bộ phận như thay đổi vũ khí, bọc thép cho nhiều bộ phận trên máy bay...
Phi công Alexey Gusev nhận xét “Đó không phải là máy bay, mà là quan tài. Thật đáng sợ khi lái chiếc máy bay này. Ngay cả vẻ ngoài của chúng cũng rất tồi tệ…”
Máy bay B-17
Mùa hè năm 1941, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã hứa với nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin rằng, Mỹ sẽ cung cấp máy bay ném bom hạng nặng B-17 “Pháo đài bay” cho Liên Xô, đây một trong những máy bay ném bom tốt nhất khi đó của Mỹ.
Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là giữ bí mật những thiết bị có trên máy bay), Mỹ đã từ chối cung cấp máy bay này cho Hồng quân Liên Xô. Nhưng bằng cách nào đó, quân đội Liên Xô vẫn sở hữu được vài chục chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-17 này.
Trong thời gian chiến tranh, Liên Xô có nhu cầu cấp thiết về máy bay ném bom hạng nặng, nhưng số lượng máy bay ném bom Pe-8 do Liên Xô sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu trên chiến trường. Mặt khác, các máy bay ném bom của Mỹ luôn vượt trội so với máy bay của Liên Xô về tốc độ, trần bay, vũ khí trang bị.
Không nhận được những chiếc B-17 từ Mỹ, quân đội Liên Xô phải tự tìm cách. Trong những lần không chiến với không quân Đức, nhiều chiếc B-17 của quân Đồng minh đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Đông Âu. Máy bay bị hư hại, phi hành đoàn đã cho phá hủy các thiết bị bí mật trên máy bay, nhưng các chuyên gia Liên Xô vẫn tìm cách khôi phục thành công các hệ thống trên.
Người Mỹ biết về việc này, nhưng không có phản ứng gì. Kết quả là vào cuối cuộc chiến, Không quân Liên Xô đã có vài chục chiếc B-17 được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, những máy bay ném bom này đã không có cơ hội tham gia vào bất kỳ cuộc chiến đấu nào sau đó.