Khám phá những sắc màu văn hóa

Không cần phải đi đâu xa, khách du lịch vẫn có thể thỏa sức khám phá những sắc màu văn hóa của các dân tộc thiểu số của nước ta tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Giới thiệu nghệ thuật xòe Thái tại Làng Văn hóa trong dịp đầu Xuân Quý Mão 2023.

Giới thiệu nghệ thuật xòe Thái tại Làng Văn hóa trong dịp đầu Xuân Quý Mão 2023.

Toàn bộ Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm trên một bán đảo nhô ra hồ Ðồng Mô, với tổng diện tích hơn 1.544ha, trong đó có 935ha mặt nước. Không gian này gồm những quả đồi thấp, những thung lũng đan xen, tạo điều kiện cho khách du lịch thỏa sức khám phá và "check-in". Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam gồm bảy phân khu như: Khu di sản văn hóa thế giới, Khu du lịch dịch vụ tổng hợp, Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, Khu công viên, bến thuyền, Khu làng dân tộc... Trong đó, khu vực quan trọng nhất, hấp dẫn nhất là không gian của các làng dân tộc. Khu các làng dân tộc có bốn cụm làng tương ứng với các vùng miền mà các dân tộc cư trú. Cụm các Làng dân tộc 1 gồm các công trình văn hóa và cảnh quan đặc trưng của các dân tộc vùng Việt Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ như: Tày, Thái, H’Mông, Dao, Mường... Cụm thứ hai giới thiệu 18 dân tộc thuộc các dân tộc vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên với các dân tộc: Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Cơ Tu, Giẻ Triêng... Cụm thứ ba gồm các dân tộc: Chăm, Khmer, Chơ Ro... Cụm cuối cùng là khu vực giới thiệu văn hóa các dân tộc: Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu.

Cảm giác đầu tiên đối với hầu hết khách du lịch khi đến đây là sự choáng ngợp về quy mô rộng lớn, cảnh quan đẹp mắt của làng và những sắc màu văn hóa. Mỗi dân tộc được giới thiệu một không gian riêng với một công trình kiến trúc trung tâm đại diện cho dân tộc đó và một số kiến trúc nhà ở, sinh hoạt... Tại đây, khách du lịch vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh quan, vừa tìm hiểu về các những nét văn hóa, đời sống sinh hoạt, ẩm thực... Ðây có thể coi là một bảo tàng khổng lồ về văn hóa các dân tộc. Trên một không gian rộng lớn, những khu nhà rông Tây Nguyên, những tòa tháp Chăm, hay những ngôi chùa của đồng bào Khmer Nam Bộ, những nếp nhà sàn của người Thái... được tái dựng theo đúng nguyên gốc, khiến khách được trải nghiệm khá chân thật dù ở ngay Hà Nội. Từ năm 2015 trở lại đây, Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đưa đồng bào một số dân tộc về đây sinh sống hằng ngày, tạo điều kiện để khách du lịch có thể trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc.

Tại khu các làng dân tộc, những dịp lễ, Tết, còn có các lễ hội, các cuộc thi, nghi lễ lớn của các dân tộc khắp mọi miền được tái hiện như: Chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Co (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc Brâu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)... giúp du khách tận hưởng không khí hội hè sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền đất nước.

Từ nội thành, đi theo đại lộ Thăng Long chỉ khoảng 40km là đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các dịch vụ ăn uống, lưu trú tại đây cũng khá phong phú. Dù Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng đây đã là địa chỉ du lịch hấp dẫn của người dân Hà Nội cũng như nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế.

QUỲNH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kham-pha-nhung-sac-mau-van-hoa-post739092.html