Khám phá những trò chơi độc đáo của dân tộc chiếm 1,89% dân số cả nước
Cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam có số dân đông thứ 3, chiếm 1,89% dân số cả nước với nhiều nét văn hóa đặc trưng về trang phục, ẩm thực... Đặc biệt, người dân tộc Thái có nhiều trò chơi độc đáo, thú vị trong các dịp lễ, tết.
Trong các dịp lễ hội của người Thái thường không thể thiếu các trò chơi tó má lẹ, tung còn, đẩy gậy, múa xòe ... Đây là những trò chơi truyền thống độc đáo, được lưu truyền từ nhiều đời.

Với đồng bào dân tộc Thái, tung còn là trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt, một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, mang đậm tính cộng đồng. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau, thể hiện tình yêu lứa đôi và kết duyên vợ chồng.

Mỗi dịp xuân về, bà con dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái lại cùng chơi trò chơi ném còn truyền thống. Không phân biệt tuổi tác, nam nữ, ai cũng có thể tham gia trò chơi này.

Quả còn có hình tròn hoặc vuông, được khâu bằng tay với hoa văn nhiều màu sắc ghép nối vào nhau, có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả còn nhồi các loại hạt như thóc, bông, vừng, cải, đỗ... thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi, nảy nở vươn lên bầu trời tự do và mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau.

Trong những dịp lễ Tết cũng không thể thiếu tiếng trống chiêng rộn rã cổ vũ cho các trò chơi, các điệu xòe Thái đặc sắc.

Chỉ với một cây gậy thi đấu làm bằng loại gỗ tốt, thẳng hoặc tre già có chiều dài 2m, được sơn 2 màu khác biệt (thường sơn màu đỏ - vàng hoặc đỏ - trắng), thân gậy được làm nhẵn và có đường kính bằng nhau (khoảng 5cm) là người dân đã đủ dụng cụ để bắt đầu trò chơi đẩy gậy.

Mỗi trận thi đấu đẩy gậy thường diễn ra trong 2-3 hiệp. Kết thúc trận đấu, trọng tài chính và 2 vận động viên hướng mặt về ban tổ chức. Trọng tài chính cầm tay 2 vận động viên, giơ tay vận động viên thắng cuộc lên cao.
Không chỉ dừng lại ở trò chơi dân gian, đẩy gậy đã được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi thể thao, trở thành một môn thể thao dân tộc được phát triển rộng rãi. Đẩy gậy cần đến sức khỏe và sự khéo léo của mỗi vận động viên khi tham gia thi đấu.

Tó má lẹ (đánh quả nóc lách) cũng là một trò chơi không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. "Tó” nghĩa là chơi hoặc đánh, còn “má lẹ” là tên của một loại quả. Trò chơi tó má lẹ được tổ chức đơn giản, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt già trẻ, đàn ông hay đàn bà. Sân chơi chỉ là một bãi đất nhỏ, bằng phẳng hoặc có thể chơi dưới gầm sàn.

Quả má lẹ được lấy từ những cánh rừng già, thuộc họ dây leo, to gần như quả cây phượng, có vỏ cứng, dài khoảng 30cm. Mỗi quả có 4-5 hạt hình tròn, màu nâu đậm, chắc, càng chơi nhiều thì hạt càng đẹp, nhẵn bóng. Đây là một đồ vật dùng để chơi lâu dài.

Thời gian của một cuộc chơi phụ thuộc chủ yếu vào số lượng người tham gia và kỹ năng của từng người. Khi thi đấu, người chơi được chia thành 2 đội, mỗi đội nhiều nhất là 7 người. Bên đội đánh sau có nhiệm vụ xếp quả má lẹ tương ứng với số người chơi của một đội.

Trò chơi tó má lẹ của đồng bào Thái thường được tổ chức vào các ngày lễ, tết, mừng nhà mới, đám cưới hoặc thời gian rảnh rỗi... Đây là trò chơi phổ biến, đặc sắc, mang tính đoàn kết cao, mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.

Là hình thức kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, xòe lâu nay đã là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái.
Mỗi dịp lễ, Tết, người Thái ở xã Hành Sơn, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái lại cùng nhau nắm tay thực hiện những điệu múa xòe đặc sắc.

Với những nét đặc trưng độc đáo, nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Múa xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân tộc Thái.

Vòng xòe đoàn kết một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái sống trên địa bàn huyện Than Uyên.
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết Độc lập (2/9) chính quyền, nhân dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lại tổ chức màn đại xòe với hàng nghìn người tham gia thể hiện tinh thần đoàn kết, tính đặc sắc của điệu múa đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.