Khám phá ra giống cua đá cuội đặc hữu, cùng 3 loài cua mới chỉ có ở Việt Nam

Giống cua đá cuội khác biệt với các giống cua đã công bố trước đó ở Việt Nam bởi kích cỡ cơ thể, màu sắc, cấu trúc và hình dạng của mai cua và đốt cuối gai giao vĩ ở cá thể đực cong vút...

Giáo sư Peter K.L. Ng (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian, Khoa Khoa học – Đại học Quốc gia Singapore) và nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí (Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa công bố một giống cua mới đặc hữu và 3 loài cua mới chỉ có ở Việt Nam. Công trình được đăng trên tạp chí chuyên ngành Raffles Bulletin of Zoology số 71 ngày 3.2.2023.

Các nhà khoa học khám phá ra giống cua mới và ba loài cua mới ở những khoảnh rừng hành lang ven suối của rừng keo trồng khi thực hiện đánh giá trữ lượng gỗ rừng trồng đã bổ sung danh sách các loài cua nước ngọt Việt Nam và cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học các loài cua trên thế giới. Sinh cảnh rừng hành lang ven suối này đóng vai trò quan trọng cho bảo tồn những giống loài cua đặc hữu còn sót lại của Việt Nam.

Giống cua đá cuội mới Dacuomon n. gen. Ng & Ngo 2023 - loài đặc hữu của Việt Nam

Giống cua đá cuội Dacuomon n.gen. Ng & Ngo, 2023 được đặt tên giống: Dacuomon là sự kết hợp giữa tên Dacuo (Đá cuội) – nơi giống cua này sinh sống và Potamon trong ngôn ngữ la tinh nghĩa là cua.

Giống cua đá cuội khác biệt với các giống cua đã công bố trước đó ở Việt Nam bởi kích cỡ cơ thể, màu sắc, cấu trúc và hình dạng của mai cua và đốt cuối gai giao vĩ ở cá thể đực cong vút.

Theo ghi nhận về cơ sở dữ liệu phân bố (chưa được xuất bản) thì giống cua mới này là giống loài đặc hữu của Việt Nam.

Sinh cảnh nơi phát hiện ra giống cua mới.

Sinh cảnh nơi phát hiện ra giống cua mới.

Cua đá cuội Nguyễn Xuân Quýnh – Dacuomon quynhi sp. nov. Ng & Ngo, 2023

Cua đá cuội Nguyễn Xuân Quýnh – Dacuomon quynhi sp. nov. Ng & Ngo, 2023 được đặt tên và tri ân cố Phó giáo sư Nguyễn Xuân Quýnh (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), qua đời vào năm 2022, người đã khuyến khích Giáo sư Peter K.L. Ng (Đại học Quốc gia Singapore) nghiên cứu về khu hệ động vật nước ngọt Việt Nam từ thập niên 1990s của thế kỷ trước.

Loài cua mới này được tình cờ khám phá vào giờ giải lao nghỉ bên bờ suối khi đánh giá diện tích và trữ lượng rừng keo trồng ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Loài cua Quýnh mới này sống sót sau khi sinh cảnh rừng nguyên sinh đã mất từ lâu và thay đổi bằng rừng keo trồng. Chúng sống sót bằng cách đào hang bên đá cuội dọc theo suối cạn vào mùa khô.

Cua đá cuội Nguyễn Xuân Quýnh.

Cua đá cuội Nguyễn Xuân Quýnh.

Cua đá cuội Nguyễn Xuân Quýnh nhìn bên ngoài trông giống với cua núi Cúc Phương – Kukrimon cucphuongense Đặng Ngọc Thanh, 1975, nhưng khác nhau cơ bản bởi hình dạng mai tròn, mặt lưng hơi lồi; chiều rộng mai từ 23,9 – 27,7 mm, chân tương đối dài và có lông tơ, chân hàm miệng thứ ba phủ đầy lông và hình dạng của gai giao vĩ (Gonopod 1), và màu sắc cơ thể.

Toàn thân cua trưởng thành có màu nâu tím nhạt, các ngón chân bò và càng có màu cam; mặt bụng có màu hồng nhạt. Các cá thể chưa trưởng thành mai cua có màu xám đậm, các chân bò có màu nâu nhạt xen kẽ những đốm đen; mặt bụng có màu vàng nhạt.

Loài cua này sinh sống ở các con suối cạn vào mùa khô, rừng hành lang ven suối của rừng trồng keo của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và là loài đặc hữu ở tỉnh Phú Yên.

Cua suối Lan – Indochinamon lanae sp. nov. Ng & Ngo, 2023

Cua suối Lan – Indochinamon lanae sp. nov. Ng & Ngo, 2023 được đặt theo tên bà Bùi Thị Lan, Chủ tịch tập đoàn An Việt Phát – Indochinamon lanae sp. nov. Ng & Ngo, 2023, như một sự tri ân, ghi nhận đóng góp của bà đối với công tác bảo vệ môi trường, thông qua công tác đánh giá tác động môi trường và khám phá loài mới này.

Cua suối Lan.

Cua suối Lan.

Loài cua suối Lan phân biệt với các loài cua thuộc giống Indochinamon được công bố trước đó bởi cấu trúc mai hơ phẳng, hình dạng gai giao vĩ dẹt ngang và cong hướng ra ngoài giống hình chiếc móc câu.

Về mmàu sắc cơ thể cua, ở mặt lưng có màu xanh lục đậm điểm màu nâu nhạt, đôi càng cũng có màu xanh lục với chóp càng có màu cam rất đẹp. Trong khi đó giáp ngực mặt dưới có màu trắng ngà hơi phơn phớt tím, rãi rác có những đốm nâu nhỏ.

Cua suối Lan có kích cỡ độ rộng mai cua từ 16,8 – 39,0 mm. Loài cua suối Lan chỉ sống ẩn mình ở những kẹt đá của những con suối đá ở rừng hành lang ven suối ở vĩ độ thấp hơn so với loài cua đá đỏ – Indochinamon sygnum ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Cua đá đỏ – Indochinamon sygnum sp. nov. Ng & Ngo, 2023

Cua đá đỏ được đặt tên theo đặc điểm khác biệt của loài cua này với các loài cua đá đã được mô tả trước đó như sự hiện diện của đốm vàng tươi trên cuống mắt và trên đốt ngắn của cơ quan phần phụ miệng thứ 3; và đốm vàng nhạt dần ở những cá thể cua đá trưởng thành.

Cua đá đỏ.

Cua đá đỏ.

Cua đá đỏ có kích cỡ chiều dài mai từ 28,4 – 38,9mm. Tuy nhiên những cá thể sống lâu năm hơn có kích cỡ mai gần bằng bàn tay.

Loài cua mới này được phân biệt với các loài cua mô tả trước đó bởi các đặc điểm khác biệt như màu sắc, cấu trúc của cơ thể và hình dạng của gai giao vĩ thứ nhất (Gonopod 1) có đốt cuối tương đối dài, hơi cong và có gờ thấp trên mặt lưng.

Mặt trên của mai cua có màu nâu đậm, mép ổ mắt và bên trước mai có màu cam sáng. Càng cua và các chân bò có màu đỏ cam nhạt với chóp càng có màu vàng xám. Mặt dưới có màu sắc thay đổi từ trắng sang nâu nhạt tùy theo độ tuổi của các cá thể cua. Tuy nhiên người địa phương thường gọi loài cua đá này là cua đá đỏ để dễ dàng phân biệt với loài cua suối có màu xanh đen sống ở dưới tảng đá ở khu vực thấp rừng ven suối ở khu vực thấp hơn là cua suối Lan – Indochinamon lanae sp. nov. Ng & Ngo, 2023 như đã mô tả ở trên.

Cua đá đỏ chỉ phân bố trên các khu vực rừng núi cao của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh bằng cách đào hang ở những tảng đá to ở khu vực ẩm ướt ven suối đá vào mùa khô.

Việc khám phá một giống cua đặc hữu mới và 3 loài cua đặc hữu của Việt Nam đã bổ sung danh sách các loài cua nước ngọt Việt Nam cho thấy đa dạng các loài cua nước ngọt Việt Nam cực kỳ phong phú và giàu những nhân tố đặc hữu và đóng góp cơ sở dữ liệu cơ bản về đa dạng sinh học các loài cua trên Thế giới.

Bài: Bích Ngân - Ảnh: Ngô Văn Trí

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kham-pha-ra-giong-cua-da-cuoi-dac-huu-cung-3-loai-cua-moi-chi-co-o-viet-nam-41204.html