Khám phá sa mạc được mệnh danh là nơi 'một đi không kỳ trở lại'
Hàng nghìn năm trước, sa mạc Taklamakan ở Tân Cương (Trung Quốc) từng có người sinh sống nhưng nay sa mạc này lại được mệnh danh là nơi 'một đi không kỳ trở lại'. Vùng đất trên còn nhiều bí ẩn chờ giải mã.
Taklamakan hay Taklimakan, theo ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, có nghĩa là “nơi đi không kỳ trở lại” hay "đi vào và ngươi sẽ không bao giờ trở ra".
Sa mạc này lớn nhất ở Trung Quốc, với diện tích 270.000km², dài 1.000km và có nơi rộng khoảng 400km. Ở rìa phía Bắc và Nam sa mạc là 2 nhánh của Con đường tơ lụa. Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên sa mạc để nối liền các thành phố Hòa Điền (phía Nam) với Luân Đài (Luntai), ở phía Bắc.
Taklamakan có khí hậu lạnh, gần giống như Siberi nên nhiệt độ rất thấp, có lúc xuống dưới -20°C. Gần đây nhất, mùa Đông 2008, Taklamakan lần đầu tiên bị che phủ hoàn toàn bởi một lớp tuyết dày khoảng 4cm, có nơi tuyết tồn tại hơn 10 ngày. Taklamakan không có nguồn nước tự nhiên nên rất nguy hiểm đối với việc thám hiểm của con người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu xcho hay, đã phát hiện thấy một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) biến mất xung quanh thung lũng Tarim của sa mạc. Điều này chứng tỏ, có một đại dương ngầm khổng lồ dưới Taklamakan, trữ lượng nước dự báo rất lớn.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc thì lưu vực Tarim thực chất là một thung lũng, chứa nước từ các nơi khác đổi về, chủ yếu là từ dãy Shan Tian và Côn Lôn. Còn trên mặt đất, mỗi năm Taklamakan hấp thụ tới hơn 220 tỷ kg khí CO2 (tương đương 0,0005% lượng CO2 của toàn Trái Đất). Điều này cho thấy lưu vực Tarim cũng được gọi là một bể chứa carbon khổng lồ.
Với phát hiện trên, giới khoa học cho rằng rất có thể, cách đây hơn 2.000 năm, Taklamakan là vùng đất trù phú, có người sinh sống. Những phát hiện trên còn được củng cố bởi nhiều dữ liệu khác, chẳng hạn, các xác ướp cổ đại, xác ướp động vật và các thành phố cổ như Ca Thập (Kashgar), Mễ Lan (Marin), Ni Nhã (Niya), Toa Xa (Yarkand) và Hòa Điền (Khotan) ở phía Nam hay Khố Xa (Kuqa) và Thổ Lỗ Phan (Turfan) ở phía Bắc, cùng Lâu Lan (Loulan) và Đôn Hoàng (Dunhuang) ở phía Đông của sa mạc. Hiện, nhiều thành phố trong số này, trong đó có Mễ Lan bị hoang phế trong khu vực thưa thớt dân cư tại khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vùng đất nhiều bí ẩn
Theo trang tin Ancientpages.com (APC), Taklamakan không chỉ là sa mạc khổng lồ mà còn là vùng đất chứa nhiều bí ẩn, khoa học hiện đại vẫn chưa giải mã hết. Theo truyền thuyết địa phương, ngày xưa, có một vị thần anh minh, chứng kiến nỗi vất vả của người dân trong vùng nên đã giang tay cứu vớt, bằng cách dùng hai bảo bối là rìu và chìa khóa, tất cả đều bằng vàng. Sau đó, rìu được ngài trao cho tộc người Kazakh và người Kazakh dùng để xẻ dãy Altai, dẫn nước về ruộng đồng để canh tác. Riêng chiếc chìa khóa vàng, vị thần đã trao cho người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) để mở cửa kho báu vùng lòng chảo Tarim. Thật không may, con gái út của vị thần làm mất khiến ngài nổi giận, giam cô gái vào vùng lòng chảo Tarim và từ đó, ra đời sa mạc và có cái tên như ngày nay.
Đó là truyền thuyết, còn thực tế, Taklamakan từ lâu đã trở thành tuyến đường giao thông, buôn bán huyết mạch giữa hai lục địa Á-Âu thông qua Con đường Tơ lụa huyền thoại. Ngày nay, Con đường Tơ lụa được người Trung Quốc tận dụng, khai thác, thông qua dự án đầy tham vọng mang tên Một vành đai Một con đường, còn gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo nghiên cứu, Taklamakan từng có nhà cửa, đền đài, người sinh sống nhưng nay thì không. Tất cả những gì được giới khảo cổ biết đến, bao gồm cả nhưng di tích cổ quý giá, lẫn các xác ướp đều bị vùi sâu trong cát, những đô thị cổ đã bị lãng quên.
Nhờ khoa học phát triển, giới khảo cổ học dần khám phá những điều bí ẩn bị lãng quyên dưới lòng cát. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, người ta tìm thấy nhiều kiến trúc đền đài, thành cổ thuộc về Vương quốc Loulan (Lâu Lan) và những xác ướp có niên đại gần 4.000 năm. Các xác ướp này có đặc điểm nhân chủng rất đặc biệt, với mái tóc màu hung, cơ thể mang vết tích người châu Âu, không phải là tổ tiên của người Trung Quốc hiện đại. Các di sản khảo cổ được tìm thấy đều có sự ảnh hưởng của người Thổ Hỏa La (Tocharian), tiền Hy Lạp, Ấn Độ.
Nhiều câu hỏi chờ giải mã
Năm 1896, nhóm các nhà thám hiểm người Thụy Điển-Sven Hedin, Aurel Stein và Albert von Le Coq đã tìm thấy dấu vêt 18 ngôi nhà và một số đền thờ cùng các tài liệu từ thời Đường và Hán. Với các phát hiện khảo cổ này cho thấy Lâu Lan là kinh đô của Vương quốc Lâu Lan, có từ trước khi thị trấn Dandan Oilik được hình thành. Năm 1910, một thợ săn địa phương tìm thấy một ngôi mộ cổ gần một con suối, cách thành cổ Lâu Lan 175km. Người ta sử dụng hơn 100 cột gỗ dựng đứng để xây dựng ngôi mộ trong một đụn cát. Đây một trong những bí ẩn kỳ thú nhất của vùng đất này. Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1979, một xác ướp phụ nữ có niên đại gần 4.000 năm được tìm thấy gần Lâu Lan.
Năm 1988, các nhà khảo cổ Trung Quốc và ĐH Pennsylvania (Mỹ), tình cờ phát hiện thấy một xác ướp mới có tên “Người đàn ông Cherchen" tại lòng hồ Tarim. Đến nay đã có hơn 100 “xác ướp Tarim” được tìm thấy tại khu vực này. Bảo tàng Ô Lỗ Mộc Tề ở khu tự trị Tân Cương là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày 4 xác ướp ở Tarim. Những xác ướp này còn nguyên vẹn nhờ khí hậu khô nóng của sa mạc.
Theo các chuyên gia, xác ướp “Người đẹp Loulan” hay ''Công chúa Xioahe” gây chú ý hơn cả vì có mái tóc dài đến vai, xương gò má cao, mũi dài… Những đặc điểm nhân dạng này không giống với người Trung Quốc thời xưa. Riêng “Người đàn ông Cherchen" lại sở hữu mái tóc màu nâu đỏ, dài, xoăn. Còn trang phục “Người đàn ông Cherchen" mặc lại là sản phẩm có nguồn gốc từ châu Âu. Trước những phát hiện này, các chuyên gia cố gắng giải mã bí ẩn về nguồn gốc của những xác ướp trên nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Giáo sư khảo cổ Victor Mair, ở ĐH Pennsylvania hết sức ngạc nhiên khi đối mặt với xác ướp giống với người châu Âu. Năm 1993 ông đã quay lại nơi đây để thu thập các mẫu ADN. Xét nghiệm ADN đã củng cố giả thiết của Victor Mair, rằng các xác ướp này mang bộ gene của người châu Âu. Văn tịch cổ Trung Quốc thế kỷ thứ I trước Công nguyên có đề cập đến những nhóm người định cư da trắng được gọi là Bai, Yeuzhi và Tocharians. Song, vẫn chưa có giải thích nào đáng tin cậy về lý do tại sao những người này lại xuất hiện ở đây.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể giải mã được nguồn gốc chính xác của những xác ướp được tìm thấy tại Tarim cũng như trả lời câu hỏi vì sao những người này lại “lưu lạc” đến thung lũng Tarim. Những phát hiện khảo cổ ấn tượng cùng nhiều câu chuyện huyền bí về Taklamakan, sa mạc "không lối thoát" đến nay vẫn là một ẩn số thách thức các nhà khoa học nói chung và giới khảo cổ nói riêng. Các câu hỏi như những người được ướp xác này đến từ đâu và có liên quan gì với người châu Âu, nền văn minh Taklamakan là gì và vì sao lại bị chôn vùi dưới lòng sa mạc… hiện vẫn chưa có câu trả lời.