Khám phá sức mạnh tàu ngầm hạt nhân tối mật Mỹ vừa cập cảng Hàn Quốc

Tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky mang tên lửa đạn đạo của Mỹ vừa cập cảng Busan (Hàn Quốc), đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của loại vũ khí chiến lược này đến bán đảo, kể từ những năm 1980.

"Một tàu ngầm hạt nhân Mỹ hôm nay cập cảng Busan. Đây là chuyến thăm cảng đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân Mỹ sau nhiều thập niên", điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, ông Kurt Campbell nói hôm 18/7 ở Seoul.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi tháng 4 đã lên kế hoạch để triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ tới Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận tàu ngầm Mỹ cập cảng Busan là USS Kentucky, đây là tàu ngầm hạt nhân có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến lược (SSBN).

Mỹ đang biên chế 14 tàu ngầm SSBN, chúng đều thuộc lớp Ohio và mang theo số lượng lớn tên lửa Trident II cực uy lực.

Các tàu ngầm SSBN đã trở thành hệ thống vũ khí chính của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh nhờ khả năng răn đe hạt nhân của chúng.

Vào thập niên 1970, các tàu SSBN Mỹ thường xuyên cập cảng Hàn Quốc, nhưng hoạt động này không tiếp diễn trong hàng chục năm sau đó.

Trung Quốc và Triều Tiên cho rằng việc triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược này làm gia tăng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio luôn được Washington sử dụng để phát tín hiệu đến đồng minh và đối thủ.

Nga giữ kỷ lục về siêu tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng Mỹ lại giữ kỹ lục là nước có tàu ngầm hạt nhân mang sức mạnh hủy diệt, một tàu ngầm chiến lược lớp Ohio của Mỹ đủ khả năng xóa sổ cả một lục địa.

Cho đến hiện tại tàu ngầm lớp Ohio vẫn là loại khí tài mang theo kho tên lửa hạt nhân khủng khiếp nhất thế giới.

Được biết mỗi quả lửa đạn đạo hạt nhân Trident II D-5 có khả năng mang từ 8 tới 14 đầu đạn hạt nhân độc lập.

Mỗi đầu đạn có sức công phá tối đa lên tới 475kt, trong khi quả bom hạt nhân thả xuống xóa sổ thành phố Hiroshima của Nhật Bản chỉ có đương lượng nổ 12kt.

Một tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio có khả năng mang theo tới 24 quả tên lửa hạt nhân Trident II.

Với tổng số đầu đạn hạt nhân này, một tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio có thể tạo ra sức hủy diệt bằng tổng số bom đạn các bên sử dụng trong toàn bộ Thế chiến thứ 2.

Và như vậy một khi chúng tập trung tên lửa tấn công thì ngay cả một lục địa cũng sẽ bị xóa sổ.

Để mang được kho vũ khí khổng lồ như vậy, những chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio có lượng giãn nước toàn tải lên đến 18.450 tấn, dài 170 m, rộng tới 13 m.

Chúng được vận hành bởi 155 sĩ quan và thủy thủ, con tàu này có thể lặn sâu tới 300m.

Theo các thông số kỹ thuật, tàu có thể cơ động dưới nước với tốc độ khoảng hơn 20 knots (20 hải lý/h).

Thực tế tàu ngầm Ohio có khả năng tăng tốc đến 25 knots (25 hải lý/h).

Với lò phản ứng hạt nhân, tàu ngầm lớp Ohio có thể hoạt động liên tục 25 năm trước khi phải thay thanh nhiên liệu.

Tất cả các tàu ngầm đều được lắp đặt 4 ống phóng ngư lôi tự bảo vệ.

Các ống phóng ngư lôi nằm ở phần mũi tàu với một góc nghiêng nhỏ so với mặt phẳng đường kính của tàu.

Trong biên chế, cơ số ngư lôi là 8 đạn Mk-48, được sử dụng để chống tàu ngầm và tàu nổi.

Hệ thống điện tử trang bị trên tàu ngầm lớp Ohio bao gồm radar trinh sát thủy siêu âm AN/BQQ-6, một biến thể nâng cấp hiện đại của sonar AN/BQQ-5 được lắp đặt trong tàu ngầm đa mục đích.

Trong các tàu ngầm lớp Ohio, đài sonar hoạt động chủ yếu ở chế độ thụ động – thu các tín hiệu thủy siêu âm.

Tàu ngầm lớp Ohio được bố trí 8 ống phóng đạn gây nhiễu loại Mk2 nhằm chống bức xạ siêu âm và đài gây nhiễu và tác chiến điện tử sonar AN/WLY-1.

Đài hoạt động tự động tìm kiếm xác định chủng loại ngư lôi tấn công đồng thời xác định loại tín hiệu gây nhiễu thủy siêu âm để phá hủy ngư lôi hoặc đánh lạc hướng.

Tàu ngầm lớp Ohio được trang bị kính tiềm vọng loại Kollmorgen Type 152 và Type 82.

Lớp tàu ngầm Ohio có thiết kế thân vỏ tàu được gắn kết thành một khoang chung đối xứng trục tâm giúp tăng tính khí động học.

Các hệ thống điện tử tiên tiến giúp thủy thủ đoàn phát hiện, theo dõi và tấn công đa mục tiêu.

Với tiêu chí hoạt động êm ái tránh bị phát hiện, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được thiết kế với các hệ thống giảm xóc, chống ồn.

Bao bọc khoang tàu là lớp vật liệu cách âm, hệ thống động lực cũng được thiết kế để giảm tối đa tiếng ồn khi hoạt động.

Hệ thống động lực phụ trợ là trạm nguồn diesel công suất 1400 kW và động cơ điện công suất 325 mã lực.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ quyết định hoán cải 4 tàu ngầm lớp Ohio, dỡ bỏ tên lửa đạn đạo Trident II và trang bị cho chúng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM).

Vì là vũ khí chiến lược, nên Mỹ bảo mật rất kỹ những thông tin liên quan tới hoạt động của loại tàu ngầm hạt nhân tối tân này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kham-pha-suc-manh-tau-ngam-hat-nhan-toi-mat-my-vua-cap-cang-han-quoc-post546327.antd