Khám phá tàu sân bay tối tân nhất thế giới, chuẩn bị xuất chinh của Mỹ

Tàu chiến mới nhất, lớn nhất của Hải quân Mỹ USS Gerald R. Ford (CVN-78), chuẩn bị ra khơi tác chiến lần đầu tiên. Việc áp dụng công nghệ mới khiến nó trở thành tàu sân bay tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay

 Tàu sân bay hạt nhân tối tân nhất thế giới USS Gerald R. Ford (CVN-78) (Ảnh: Wiki).

Tàu sân bay hạt nhân tối tân nhất thế giới USS Gerald R. Ford (CVN-78) (Ảnh: Wiki).

Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) lần đầu tiên vào đầu năm 2022. Do phải giải quyết một loạt các vấn đề chậm trễ về xác minh công nghệ mới và độ tin cậy của hệ thống, nên thời gian triển khai của con tàu đã muộn hơn 4 năm so với kế hoạch dự tính ban đầu vào năm 2018.

USS Gerald R. Ford (CVN-78) hiện là một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới, được đưa vào hoạt động từ năm 2017 và hiện đang trải qua quá trình kiểm tra khả năng sử dụng toàn diện của hệ thống. Tàu sân bay này có lượng choán nước trên 100.000 tấn khi đầy tải. Nó có chiều dài 337 mét, và chiều cao đỉnh trước 78 mét. Tốc độ hành trình của nó hiện vẫn được giữ kín, nhưng ước tính vượt trên 30 hải lý/h. Lực lượng máy bay mà tàu sân bay mang sẽ bao gồm hơn 75 máy bay của hải quân, bao gồm máy bay chiến đấu cánh cố định và trực thăng. Người ta nói rằng tuổi thọ dự kiến của nó có thể lên tới 90 năm.

Tàu trong chuyến chạy thử năm 2017.

Tàu trong chuyến chạy thử năm 2017.

Chiếc hàng không mẫu hạm trị giá 13 tỷ USD này hiện đang trong giai đoạn bảo dưỡng cuối cùng trước khi tiến hành chuyến ra khơi đầu tiên và sẽ sớm được sử dụng để triển khai các nhiệm vụ của hải quân.

Chuẩn Đô đốc Jeffrey Hoffman, chỉ huy Nhóm tàu sân bay tấn công số 12 (CSG-12), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang web tin tức của Hiệp hội Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (USNI ) vào ngày 25/10: "Mọi thứ đang ở trong quỹ đạo. Chúng tôi hy vọng con tàu có thể ra khơi theo lịch trình sau khi kết thúc thử nghiệm khả năng sử dụng trong 6 tháng. Tin tức từ thuyền trưởng và nhà máy đóng tàu là rất tích cực. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ điều chỉnh tốt tâm lý và chuẩn bị cho việc triển khai tác chiến".

Ông Hoffman nói rằng việc đưa tàu sân bay lớp Ford vào sử dụng sẽ gia tăng số lượng nhóm tấn công tàu sân bay được triển khai. Điều này sẽ mang lại cho Hải quân Mỹ sự linh hoạt lớn hơn.

Thủy thủ đoàn lên tàu

Thủy thủ đoàn lên tàu

Việc ứng dụng các công nghệ mới trên USS Gerald R. Ford (CVN-78) cũng khiến nó trở thành tàu sân bay tiên tiến nhất trên thế giới. Tỷ lệ huy động của nó sẽ cao hơn khoảng 30% so với các tàu sân bay hiện có, một phần do sử dụng thang máy điện từ tiên tiến thay thế thang máy cáp hiệu suất kém hơn trên tàu sân bay lớp Nimitz, giúp cho việc nâng cao hiệu quả vận chuyển đạn dược và vũ khí trang bị cao hơn. Đồng thời, hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) có thể phóng máy bay nhanh hơn hệ thống máy phóng bằng hơi nước trên tàu lớp Nimitz và giảm thiểu số lượng nhân sự. Thiết bị ngoạm tiên tiến thay thế thiết bị gắp thủy lực Mark 7 đòi hỏi bảo trì thường xuyên và có thể khiến các máy bay cánh cố định hạ cánh trên tàu sân bay một cách đáng tin cậy hơn.

USS Gerald R. Ford (CVN-78) và các tàu khác thuộc lớp này dự kiến sẽ có thời gian phục vụ 50 năm và nó có thể thích ứng với việc hiện đại hóa các trang thiết bị của Hải quân Mỹ trong tương lai. Quân đội Mỹ cho rằng sự linh hoạt của tàu lớp Ford, chẳng hạn như việc thiết kế mô-đun hóa các không gian khác nhau trên tàu, là một tài sản thích ứng với sự phát triển trong tương lai và sẽ giúp Ford bắt kịp với những phát triển công nghệ mới và những thay đổi trong môi trường tác chiến mới.

Máy bay chiến đấu F/A18 cất cánh trên tàu.

Máy bay chiến đấu F/A18 cất cánh trên tàu.

Ông Hoffman giải thích rằng tàu sân bay lớp Ford được thiết kế đã xem xét những yêu cầu công nghệ luôn thay đổi, điều này mang lại cho nó sự linh hoạt và khả năng thích ứng thực sự. Ví dụ, cấu hình trên tàu sân bay lớp Nimitz đã bố trí rất cố định, nếu muốn bổ sung công nghệ mới và các yêu cầu mới cho lớp tàu sân bay này thì công việc sửa đổi sẽ rất khó khăn. Nhưng tàu lớp Ford đã sử dụng ý tưởng thiết kế mô-đun hóa nhiều hơn, vì vậy nó có thể thích ứng với các thiết bị mới hoặc hệ thống mới một cách linh hoạt hơn. Khi công nghệ mới và thiết bị mới xuất hiện, chúng sẽ dễ dàng được tích hợp với các hệ thống của tàu lớp Ford và nhanh chóng đạt được trạng thái vận hành, mà không cần phải bắt đầu lại từ đầu như cải tạo một con tàu cũ.

Các thông tin cũng cho biết việc điều khiển thiết bị phóng và giữ máy bay trên tàu lớp Ford phụ thuộc vào phần mềm máy tính, và lỗi phần mềm đã khiến máy phóng điện từ trên USS Gerald R. Ford (CVN-78) bị trục trặc vào mùa hè năm ngoái khiến các máy bay trên tàu sân bay buộc phải ngừng bay trong một số ngày. Ngoài ra, tàu sân bay lớp Ford còn phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật khác, bao gồm thang máy chở vũ khí và đạn dược tiên tiến của nó. Hoffman nói rằng Hải quân Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả 11 thang máy đều sẵn sàng hoạt động trước khi kết thúc giai đoạn bảo trì hiện tại.

Con tàu nhìn ngang .

Con tàu nhìn ngang .

Ông Hoffman cho biết: "Chúng (các thang máy điện từ) đã thực hiện hơn 15.000 lượt vận chuyển vũ khí và đạn dược trong các điều kiện khác nhau, vì vậy xét từ khía cạnh này là rất tích cực. 4 thang máy còn lại cũng sẽ được hoàn thành trước khi kết thúc đợt bảo trì".

USS Gerald R. Ford (CVN-78) là siêu tàu sân bay thế hệ tiếp theo mới nhất và là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ ba của của Hải quân Mỹ. Trước khi USS Gerald R. Ford (CVN-78) chính thức được đặt tên, các tàu thuộc lớp này ban đầu được gọi là “CVN-X” (“X” là viết tắt của “thế hệ tiếp theo”), nhưng sau đó nó đã được đổi tên thành “CVN 21 Future Aircraft Carrier Program”, trong đó "21" có nghĩa đây là thiết kế tàu sân bay đầu tiên sau khi bước vào thế kỷ 21. USS Gerald R. Ford là chiếc tàu sân bay đầu tiên của lớp Ford đi vào hoạt động vào ngày 22/7/2017 và Mỹ có kế hoạch đóng 10 tàu cùng lớp vào trước năm 2058 để thay thế các tàu sân bay lớp Enterprise đã ngừng hoạt động vào năm 2012 và các tàu lớp Nimitz hiện có.

Hải quân Mỹ sử dụng số lượng lớn thuốc nổ để thử nghiệm chống sốc cho tàu hôm 6/7 (Ảnh: The Drive).

Hải quân Mỹ sử dụng số lượng lớn thuốc nổ để thử nghiệm chống sốc cho tàu hôm 6/7 (Ảnh: The Drive).

Hiện có 4 tàu lớp Ford đã được đưa vào kế hoạch, với các số hiệu là CVN-78, CVN-79, CVN-80 và CVN-81.

Vào ngày 16/1/2007 Hải quân Mỹ thông báo rằng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới đầu tiên dự kiến được đóng chính thức được đặt tên là USS Gerald R. Ford (CVN-78) để tưởng nhớ Cựu Tổng thống Gerald R. Ford qua đời năm 2006. USS Gerald R. Ford (CVN-78) bắt đầu được đóng vào năm 2007 và được hạ thủy vào ngày 11/10/2013.

Việc đóng chiếc tàu thứ hai USS Kennedy (CVN-79) bắt đầu vào ngày 25/2/2011. Việc đặt tên để tưởng nhớ cố Tổng thống Kennedy từng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Ngày 7/12/2019, lễ ném chai hạ thủy USS Kennedy được tổ chức với sự có mặt của Caroline Kennedy, con gái của cố Tổng thống Kennedy.

Video giới thiệu về tàu sân bay tối tân nhất thế giới USS Gerald R. Ford (CVN-78) (Nguồn: Military Headlines).

Do chiếc USS Enterprise (CVN-65) ngừng hoạt động của vào ngày 1/12/2012, Bộ Hải quân Mỹ thông báo rằng chiếc thứ ba CVN-80 sẽ sử dụng lại tên của con tàu.

Ngày 19/1/2020, Hải quân Mỹ công bố kế hoạch đặt tên cho con tàu thứ tư là USS Doris Miller (CVN-81) để kỷ niệm Doris Miller, người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được Huân chương Chữ thập của Hải quân Mỹ trong Sự kiện Trân Châu Cảng.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kham-pha-tau-san-bay-toi-tan-nhat-the-gioi-chuan-bi-xuat-chinh-cua-my-post151808.html