Khám phá tên lửa đạn đạo nội địa đầu tiên Ukraine tuyên bố tự phát triển

Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây hé lộ Ukraine đã phát triển và thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên sản xuất trong nước.

Hệ thống xe phóng tên lửa Grom-2 do Ukraine tự phát triển (Ảnh: Thepaper)

Hệ thống xe phóng tên lửa Grom-2 do Ukraine tự phát triển (Ảnh: Thepaper)

Ông Zelensky tuyên bố trong cuộc họp báo của diễn đàn "Ukraine Independence 2024" rằng các lực lượng vũ trang Ukraine “gần đây đã tiến hành vụ phóng thử đầu tiên một tên lửa đạn đạo sản xuất trong nước". Ông cho biết vụ phóng thử đã thành công và chúc mừng ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, nhưng ông nói không thể chia sẻ thêm thông tin chi tiết về tên lửa này vào lúc này.

Loại tên lửa bí ẩn

Trang web quân sự The WarZone của Mỹ cho hay, mặc dù ông Zelensky không tiết lộ tên của tên lửa nhưng hiện tại giới nghiên cứu suy đoán đó có thể là tên lửa đạn đạo “Grom-2”.

Đầu những năm 2000, Ukraine bắt đầu phát triển loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn để thay thế tên lửa 9K79 (hay OTR-21 Tochka) do Liên Xô sản xuất. Hệ thống vũ khí này bao gồm cả bệ phóng được đặt tên là tổ hợp tên lửa chiến thuật đa chức năng "Peregrine". Sổ tay hướng dẫn Triển lãm Quốc phòng Quốc tế năm 2013, đã chính thức tiết lộ tên thương mại nước ngoài của nó là "Grom" (Sấm sét), tiền thân của "Grom-2".

Đánh giá từ hình thức bên ngoài lộ diện trước công chúng trước đây, phần đạn tên lửa này giống với tên lửa Iskander của Nga, với bộ phận đẩy tên lửa thô ngắn và phần đầu đạn hình nón dài. Ngoài tên lửa đạn đạo, hệ thống này cũng có kế hoạch sử dụng để phóng tên lửa hành trình tầm xa "Korshun-2".

 Grom-2 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Grom-2 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, quá trình phát triển dòng tên lửa này được đẩy nhanh. Năm 2018, Ukraine công bố những hình ảnh thử nghiệm động cơ của tên lửa "Grom-2". Tại cuộc duyệt binh cùng năm, Ukraine cũng đã trưng bày một xe phóng kép năm trục do Cục Thiết kế Cơ khí Kharkov phát triển. Theo thông tin công khai, phiên bản xuất khẩu của tên lửa "Grom" được thiết kế để có tầm bắn khoảng 280 km, trong khi phiên bản sử dụng trong nước có thể đạt tầm bắn 500 km.

Tuy nhiên, cũng có một số suy đoán khác, như Grom-2 đã được Ukraine sử dụng trong cuộc tấn công vào Căn cứ Không quân Saki của Nga năm 2022. Ngoài ra các cơ quan quân sự và chính trị Nga ở Crimea năm ngoái tuyên bố, một tên lửa Grom-2 do Ukraine phóng đã bị bắn hạ trong một cuộc tấn công.

Những suy đoán này dẫn đến thực tế là tên lửa Grom-2 không phù hợp với thông tin "phóng lần đầu tiên" như ông Zelensky nói. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng vào thời điểm đó, thứ mà họ bắn hạ là tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất và vì phía Ukraine thường mập mờ về điều này nên rất khó để coi những tin tức này là xác thực.

 Mô hình tên lửa Grom được Ukraine trưng bày tại triển lãm quốc phòng .

Mô hình tên lửa Grom được Ukraine trưng bày tại triển lãm quốc phòng .

Cũng có suy đoán rằng tên lửa mà ông Zelensky đề cập có thể không phải là Grom-2, thậm chí không phải là tên lửa đạn đạo theo nghĩa truyền thống vì ranh giới giữa tên lửa tầm xa dẫn đường cỡ nòng lớn và tên lửa đạn đạo ngày càng trở nên mờ nhạt.

Quân đội Mỹ thậm chí còn xếp nhiều pháo phản lực cỡ nòng lớn vào loại "Tên lửa đạn đạo tầm gần" (CRBM) có tầm bắn dưới 300 km; chẳng hạn như loại pháo phản lực "Vilkha" cỡ nòng 300 mm do Ukraine phát triển dựa trên "Tornado" của Nga.

Trong số các bệ phóng tên lửa tầm xa, tên lửa dẫn đường tầm xa nhất đã có tầm bắn vượt quá 200 km, do đó, nó cũng có thể là một loại đạn tên lửa dẫn đường mới được phát triển dựa trên tên lửa " Vilkha -M" hiện có.

Ngoài ra, ông Zelensky tuần trước cũng cho biết quân đội Ukraine cũng đã đầu tư vào một loại vũ khí tầm xa mới tên lửa-UAV mang tên "Paliaytsia" là máy bay không người lái kết hợp sử dụng động cơ phản lực.

 Tên lửa chống hạm Neptune R-60 do Ukraine tự phát triển.

Tên lửa chống hạm Neptune R-60 do Ukraine tự phát triển.

Giảm phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây?

Theo AFP, như một phần trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào viện trợ quân sự của phương Tây, Ukraine đã cố gắng phát triển ngành công nghiệp quân sự của riêng mình và khuyến khích sản xuất vũ khí trên lãnh thổ của họ.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được kế thừa ngành công nghiệp tên lửa và rocket của Liên Xô đặt ở Ukraine. Ví dụ, đơn vị thiết kế tên lửa nổi tiếng của Liên Xô là Cục Thiết kế miền Nam, có trụ sở tại Ukraine. Tổ chức này đã phát triển thành công dòng tên lửa "Zenit" và tên lửa liên lục địa R-7 cùng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn 15D.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong số các nước CIS, nền tảng và trình độ công nghệ tên lửa của Ukraine chỉ đứng sau Nga. Chỉ cần có nhu cầu, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có khả năng độc lập phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Từ sau chiến tranh Lạnh đến khi xuất hiện cuộc khủng hoảng Crimea, nhu cầu về tên lửa mới của Ukraine rất yếu. Người ta cảm thấy rằng chỉ cần có tên lửa Tochka-U kế thừa từ Liên Xô là đủ. Sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, Ukraine mới bắt đầu đẩy nhanh việc phát triển tên lửa đạn đạo mới và tên lửa hành trình.

 Năm 2018, Ukraine đã công bố hình ảnh thử nghiệm động cơ của tên lửa "Grom-2".

Năm 2018, Ukraine đã công bố hình ảnh thử nghiệm động cơ của tên lửa "Grom-2".

"Đối với Ukraine, việc hoàn thành thử tên lửa đạn đạo trong một cuộc xung đột quy mô lớn không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tình hình chiến trường hiện tại không thuận lợi cho quân đội Ukraine. Ngoài ra, Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào hệ thống công nghiệp quân sự Ukraine. Việc sản xuất hàng loạt tên lửa đã thử nghiệm là cả một vấn đề. Rất có thể chỉ một số tên lửa được sản xuất ở quy mô nhỏ và sẽ có tác động hạn chế đến tình hình chiến trường”, Hàn Đông, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhận định.

Theo vị chuyên gia, vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ukraine có ý nghĩa chính trị hơn là về quân sự. Nó có tác dụng nâng cao tinh thần nhiều hơn. Các tên lửa tầm xa do phương Tây hỗ trợ và máy bay không người lái tự sát vẫn sẽ được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công tầm xa.

Thực tế xung đột cho thấy tên lửa đạn đạo sẽ không đóng vai trò quyết định tình hình chiến tranh. Vì vậy, dù Ukraine có sử dụng nó trên chiến trường cũng không có tác động lớn đến chiều hướng của cuộc chiến.

Theo The Paper

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kham-pha-ten-lua-dan-dao-noi-dia-dau-tien-ukraine-tuyen-bo-tu-phat-trien-post177854.html