Khám phá thành Cổ Loa
Khu di tích lịch sử Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) không chỉ gắn liền với truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu, quá trình dựng, giữ nước cũng như chống giặc ngoại xâm của Thục Phán An Dương Vương mà còn là nơi cảnh sắc tươi đẹp bốn mùa, một điểm đến độc đáo của du lịch Thủ đô.
Là di tích kinh thành của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ thứ X sau Công nguyên, hiện nay Cổ Loa đã được công nhận là một trong 21 Khu du lịch Quốc gia.
Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 20km, du khách có thể tới Khu di tích lịch sử Cổ Loa bằng các tuyến xe bus số 15, 17, 43, 46, 59, 65. Nếu đi xe máy hoặc ô tô từ trung tâm TP, bạn có thể đi qua các cầu Thăng Long, Chương Dương, Nhật Tân rồi rẽ ra quốc lộ 3.
Khu di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được mệnh danh là tòa thành đất lớn nhất Việt Nam. Tương truyền, thành có 9 vòng hình xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn 3 vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.
Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4 -5m đặc biệt có chỗ cao từ 8 - 12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2km2, là nơi ở của vua An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều.
Từ cổng chào của khu di tích, bạn sẽ nhìn thấy đình làng, cùng với đó là khu trưng bày các hiện vật quý khai quật được ở đây. Bên trái đình là am Mỵ Châu thờ công chúa Mỵ Châu. Dân làng hay gọi nơi này là mộ Mỵ Châu, nằm ngay sau cây đa nghìn tuổi tỏa bóng mát cả một vùng sân rộng, gốc đa rẽ đôi thành chiếc cửa tò vò thiên nhiên mở lối đi vào am. Nơi đây có một bức tượng gọi là tượng Mỵ Châu - một tảng đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Huyền thoại kể rằng, sau khi chết Mỵ Châu hóa thành hòn đá to rồi trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía Đông thành Cổ Loa.
Cách đó không xa là đền thờ Cao Lỗ, một vị tướng tài dưới trướng An Dương Vương, người sáng tạo ra nỏ liên châu bắn nhiều mũi tên cùng lúc. Ông cũng là người chỉ huy xây dựng thành Cổ Loa. Đền thờ nhỏ, có dựng tượng Cao Lỗ bắn nỏ giữa ao nước trước đền. Trong đền còn lưu giữ nhiều mũi tên đồng mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được.
Và công trình đáng tham quan nhất là đền Thượng, nơi thờ vua An Dương Vương. Đền thờ An Dương Vương hay còn gọi là đền Thượng, nằm ở trung tâm Thành trong, nơi vua Thục Phán từng ở trước kia. Vị trí đền nằm trên một gò đất hình đầu rồng, hai bên là hai cánh rừng, phía dưới còn có hai hố tròn là mắt rồng. Ngay trước đền Thượng là một hồ nước lớn, bên trong có giếng Ngọc, nơi Trọng Thủy đã gieo mình tự vẫn trong câu chuyện truyền thuyết.
Trong đền còn giữ lại một số di vật như tượng An Dương Vương bằng đồng, hai con ngựa hồng - bạch, các món đồ bằng đồng, sứ, gỗ, vải… Trước cổng có 2 con rồng đá, thân uốn lượn, tay vuốt râu được chạm khắc vô cùng tinh tế mang đậm lối kiến trúc của thời Lê.
Cảnh quan ở Cổ Loa mỗi mùa một vẻ. Mùa Xuân là mùa lễ hội nên rất nhiều khách du lịch đến đây, nhất là các ngày chính hội (mùng 4, 5, 6 tháng giêng âm lịch). Mùa Hè lộng lẫy khi bằng lăng tím, phượng đỏ nở rực khắp nơi. Mùa Thu, nơi đây lãng mạn bởi những hàng cây lá vàng và rễ cây si rủ xuống mặt hồ.
Mùa Đông, vẻ hoài cổ ngự trị khi cây cối rụng hết lá. Nhưng dù đến đây vào mùa nào thì những ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng vẫn là thời điểm lý tưởng nhất, bởi bạn có thể tranh thủ buổi chợ phiên lâu đời còn sót lại ở đây.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kham-pha-thanh-co-loa-357741.html