Tọa lạc ở thành phố Besançon, tỉnh Franche-Comté, Pháp, thành cổ Besançon được coi là một trong những công trình quân sự phong cách Vauban được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.
Thành cổ Besançon có tổng diện tích 10 ha, tòa thành nằm trên đồi Saint-Etienne, một trong bảy điểm cao bảo vệ Besançon, thủ phủ của tỉnh Franche-Comté.
Tòa thành cùng ngọn đồi nắm giữ vị trí yết hầu của thành phố, vốn được bao quanh bởi sông Doubs. Vị trí chiến lược này đã từng được hoàng đế La Mã Julius Caesar nhận ra từ thế kỷ I TCN.
Cấu trúc thành cổ Besançon gồm những vòng tường thành cao 5 - 6m chạy dọc theo vách núi đá hình vòng cung tự nhiên, với các tháp canh được bố trí tại những điểm chiến lược. Trong thành là trại lính, trụ sở chỉ huy, kho tàng cùng nhiều công trình khác.
Những vách núi cao dựng đứng bao quanh khiến tòa thành là nơi hoàn hảo để quan sát toàn bộ khu vực xung quanh, đồng thời cũng rất khó tiếp cận đối với các đội quân của kẻ thù.
Người thiết kế công trình là Sébastien Le Prestre (1633-1707), lãnh chúa xứ Vauban, thường gọi là Vauban. Ông chính là người khai sinh ra trường phái kiến trúc Vauban, có ảnh hưởng đến các công trình quân sự suốt hàng thế kỷ sau đó.
Các tòa thành xây theo kiểu Vauban mang đặc điểm chung là có nhiều góc nhô ra, làm tăng tầm quan sát cũng như độ che phủ của hỏa lực bắn từ trên thành, nâng cao đáng kể hiệu quả phòng thủ với các tòa thành kiểu cũ.
Việc xây dựng thành Besançon đã kéo dài từ năm 1668 - 1711 và tiêu tốn một khối lượng nhân lực, vật lực khổng lồ của nước Pháp, đến mức hoàng đế Pháp phải đặt câu hỏi rằng liệu có phải những bức tường thành được xây bằng vàng.
Do không bị hủy hoại bởi các cuộc chiến tranh, kiến trúc của thành Besançon vẫn được bảo tồn gần như hoàn hảo, và tòa thành là một trong những điểm nổi tiếng nhất của nước Pháp.
Năm 2008, thành Besançon cùng hệ thống công trình quân sự do lãnh chúa xứ Vauban thiết kế ở Pháp đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
P.V (Tổng hợp)