Khám phá 'tuyệt kỹ' của cặp đôi đánh lừa cả thị trường nghệ thuật thế giới
Sau nhiều thập kỷ lừa dối, ngụy tạo bằng chứng và tích cực che đậy dấu vết, chỉ một hành động bất cẩn đã khiến đôi vợ chồng Wolfgang Beltracchi (người Đức) bị lật tẩy. Cặp họa sĩ - doanh nhân này đã phải trả giá sau khi đánh lừa người mua và các phòng trưng bày trên khắp thế giới, thu về hàng triệu USD.
Lộ tẩy vì sơ suất nhỏ
Thay vì giả mạo các bức tranh hiện có, Wolfgang Beltracchi đã tạo ra hàng trăm tác phẩm gốc bắt chước một cách khéo léo phong cách của các nghệ sĩ châu Âu đã khuất bao gồm Max Ernst, Fernand Léger, Kees van Dongen và André Derain. Sau đó, người vợ là Helene Beltracchi đã bán chúng như những tác phẩm không có giấy tờ, đôi khi với số tiền lên tới cả triệu USD. Cặp đôi tuyên bố đã thừa kế bộ sưu tập nghệ thuật từ ông nội của Helene, người được cho đã mua lại từ một người bán tranh Do Thái phải chạy trốn phát xít Đức.
“Bức tranh màu đỏ với ngựa” (Vermeer) được coi là tác phẩm của nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện Heinrich Campendonk được bán đấu giá với mức kỷ lục 2,8 triệu euro. Thế nhưng, sau đó một chi tiết mâu thuẫn xuất hiện. Qua phân tích, bức tranh có dấu vết của titan (vốn chỉ được sử dụng làm chất tạo màu trắng từ những năm 1920) trong khi tác phẩm được cho là thực hiện vào năm 1914. Như vậy, bức tranh Vermeer nổi tiếng không thực sự là nguyên gốc. Trên thực tế, Wolfgang đã hết kẽm để tạo ra sơn trắng cho bức tranh giả mạo của mình. Thay vào đó, ông ta đã mua bột màu kẽm từ một nhà sản xuất Hà Lan mà không biết nó có chứa titan. Khám phá này đã châm ngòi cho một chuỗi sự kiện lật tẩy âm mưu lừa đảo người mua và các phòng trưng bày trên khắp thế giới.
Các bức tranh của Wolfgang Beltracchi đã tìm được đường vào các nhà đấu giá và các bộ sưu tập tư nhân. Vợ chồng Beltracchi thậm chí đã lừa dối các chuyên gia thẩm định nghệ thuật hoặc trả cho một trong số họ khoản phí lớn để mua sự im lặng. Cặp đôi này cùng với 2 cộng sự đã bị kết tội giả mạo 14 tác phẩm nghệ thuật, nhưng họ tuyên bố đã sản xuất khoảng 300 tác phẩm giả mạo, nhiều trong số đó chưa bao giờ được xác định rõ ràng. Ví như, bức tranh quý hiếm của Van Dyck được bán với giá 3 triệu USD. Năm 2011, sau hơn 30 năm bước chân vào giới buôn bán tranh, Wolfgang và Helene lần lượt bị kết án 6 và 4 năm tù, mặc dù cả 2 đều được trả tự do sớm. Họ cũng phải bồi thường thiệt hại 35 triệu euro (38 triệu USD).
Lừa dối cũng là một nghệ thuật
Phiên tòa xét xử vợ chồng Beltracchi diễn ra từ năm 2011, nhưng trong một cuốn sách xuất bản gần đây, nhà phân tâm học Jeannette Fischer từ cuộc gặp gỡ cặp đôi tại xưởng vẽ ở Thụy Sĩ sau khi họ ra tù đã khám phá động cơ, quá trình nghệ thuật và lịch sử gia đình họ.
Quá trình nuôi dạy có thể đã ảnh hưởng đến quyết định trở thành một thợ vẽ bậc thầy của Wolfgang. Từ khi còn nhỏ, ông ta đã giúp cha mình khôi phục lại những bức tranh tường của nhà thờ. Ở tuổi 12, Wolfgang đã sao chép một cách thuyết phục và sau đó thêm các yếu tố của riêng mình vào bức tranh đầu tiên, bắt chước tác phẩm của danh họa Picasso. Trong gia đình, cả cha và mẹ của Wolfgang đều bị “tổn thương nặng nề” bởi những trải nghiệm trong Thế chiến 2. Mẹ ông đã cùng các con sơ tán đến vùng nông thôn nước Đức, trong khi người cha chiến đấu ở Stalingrad và mặt trận phía Tây cho tới khi bị bắt làm tù binh ở Pháp trong 4 năm. “Tất cả những đau khổ, tổn thương và cả sự tức giận được truyền sang bọn trẻ. Trong hoàn cảnh như vậy, trẻ em gần như không thể lớn lên một cách vô tư, phải gánh chịu tất cả những căng thẳng khó nói” - tác giả Fischer nhận định. Bằng cách giả định danh tính của những người khác, Wolfgang có thể thoát khỏi những cảm xúc nặng trĩu này.
Với Wolfgang, giả mạo là một loại hình nghệ thuật sáng tạo và lừa dối giống như một trò chơi. Nữ tác giả Fischer lập luận rằng, bộ đôi này đã kiếm được hàng triệu USD, nhưng tiền chỉ là một phần của sự hấp dẫn. Mặc dù gia đình Beltracchi sống thoải mái, đi du lịch nhiều nơi và mua một ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp để nuôi dạy con cái, nhưng họ tránh xa nhiều thứ mà với khối tài sản khổng lồ, họ hoàn toàn có thể có được. “Việc giả mạo gần như là ngẫu nhiên. Chúng tôi rất thích bán những bức tranh, chúng tôi trở nên thành công, giàu có... Tôi đã vẽ và chúng tôi cũng thích nghiên cứu. Giả mạo là một cách kết hợp tất cả những điều này” - Wolfgang nói với tác giả Fischer.
Bí kíp thành công
Thành công của cặp đôi bắt nguồn từ nghiên cứu tỉ mỉ và sự ám ảnh về chi tiết. Họ thực hiện những “chuyến đi văn hóa”, đến những địa điểm mà các nghệ sĩ mà họ muốn “nhái” đã vẽ tranh hoặc để xem các tác phẩm gốc trong các bảo tàng trên khắp thế giới. Họ đắm mình trong những bức thư và nhật ký của các nghệ sĩ cũng như nhận xét về tác phẩm của họ. Trong phiên tòa xét xử vợ chồng Beltracchi, chủ tọa phiên tòa chỉ rõ, vụ lừa đảo đã được tổ chức với độ chính xác tuyệt đối. “Họ là những người kể chuyện cùng nhau, cùng nghiên cứu và biết mọi thứ về những họa sĩ mà họ bắt chước. Tôi nghĩ đây là một phần trong sáng tạo của Wolfgang” - nữ tác giả Fischer nói.
Phát biểu với hãng tin Der Spiegel (Đức) vào năm 2012, Wolfgang nói rằng ông ta nắm vững phong cách của khoảng 50 nghệ sĩ đã qua đời. “Tôi đã ngồi quanh hồ bơi trong nhiều ngày, đọc sách, mơ mộng và ngủ. Tôi tự rèn mình bằng cách vẽ đi vẽ lại các bức tranh cho tới khi chúng tôi cần tiền” - ông ta kể. Fischer tin rằng, quá trình thực hành chuyên sâu đã giúp Wolfgang đắm mình hoàn toàn vào thế giới của các danh họa, đến mức ông ta đánh mất cả chính mình và như thể cảm nhận được cảm xúc của người khác.
Ví dụ, Wolfgang cảm giác rất thân thuộc với họa sĩ thế kỷ 17. Đây là họa sĩ đầu tiên mà ông ta vẽ “nhái” bởi ngỡ như Hendrick Avercamp chính là anh trai mình và có lúc cảm thấy như đang ở trong chính khung cảnh mà Hendrick Avercamp đã từng vẽ. Bên cạnh đó, mặc dù các bức tranh phần lớn được tạo ra từ trí tưởng tượng của Wolfgang, nhưng chúng thường được đặt tên là các tác phẩm bị coi là thất truyền (thực tế là không tồn tại) nên không gây nghi ngờ. Vợ chồng Beltracchi đã mua khung và tranh sơn dầu cũ ở chợ trời, thậm chí còn sử dụng máy ảnh của những năm 1920 để tạo ra những bức ảnh trông cũ kỹ nhưng lại là bằng chứng về nguồn gốc lịch sử của tranh.
Sau khi sự việc vỡ lở, không chỉ các nhà sưu tập tư nhân mà một số phòng trưng bày và viện bảo tàng cũng trở thành nạn nhân của vợ chồng họa sĩ - doanh nhân Beltracchi. Các nhà đấu giá bao gồm cả Sotheby's và Christie's cũng bị lừa. Nhiều chuyên gia đã bị tổn hại danh tiếng, trong đó một nhà sử học đã bị kiện đòi bồi thường thiệt hại sau khi xác thực nhầm một tác phẩm giả mạo danh họa Max Ernst. Nhưng Wolfgang bày tỏ quan điểm, ông ta chỉ tạo ra những bức tranh và chúng được mọi người yêu thích cũng như thị trường nghệ thuật thu được lợi nhuận. Ai cũng có lợi trong việc này, nếu vợ chồng Beltracchi không bị lộ tẩy. Năm 2014, Wolfgang tiết lộ thêm với chương trình “60 Minutes” của CBS rằng, ngoài các khoản bồi thường thiệt hại do tòa án áp đặt, ông ta đã dàn xếp các vụ kiện riêng trị giá 27 triệu USD.
Kể từ khi ra tù, ông Wolfgang đã tạo ra tác phẩm dưới tên của chính mình trong khi tiếp tục thu lợi nhuận từ các sự kiện diễn thuyết và không hề hối tiếc về những điều mình đã làm. Có điều, người ta không thể phủ nhận đây là một “bậc thầy giả mạo” vì với hơn 60 năm kinh nghiệm trong nghề, Wolfgang gần như là người duy nhất trên thế giới có đủ kiến thức và kỹ năng để sáng tạo ra những bức tranh đúng phong cách của các danh họa sống từ nhiều thế kỷ trước.
Theo CNN