Khám phá UAV vận tải cỡ lớn mà Trung Quốc vừa bay thử nghiệm
Sáng 11/8, loại máy bay vận tải không người lái hai động cơ cỡ lớn do Trung Quốc tự chủ phát triển đã thực hiện thành công chuyến bay thử đầu tiên tại sân bay Phong Minh, Tứ Xuyên.
UAV vận tải lớn nhất của Trung Quốc
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên này kéo dài khoảng 20 phút. Trong suốt chuyến bay, tất cả các hệ thống đều hoạt động bình thường. Chiếc UAV này có sải cánh 16,1 mét, cao 4,6 mét, khoang chứa hàng 12 mét khối và tải trọng thương mại 2 tấn. Đây là loại máy bay vận tải không người lái lớn lớn nhất, sản xuất hoàn toàn trong nước được phát triển dựa trên nhu cầu thị trường Trung Quốc.
Máy bay còn có đặc điểm dễ dàng xếp dỡ hàng, độ tin cậy cao, độ an toàn cao và được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được cho là giúp Trung Quốc mở rộng các loại hình vận chuyển hàng hóa đường không mới và tạo ra định dạng logistic thông minh mới cho nền kinh tế tầm thấp.
Theo CCTV News, chuyến bay thành công đánh dấu một bước đột phá lớn khác của Trung Quốc trong lĩnh vực vận tải không người lái.
Theo các bức ảnh tại hiện trường, đây là một chiếc UAV lớn cánh đơn, đuôi thẳng đứng, có bố cục khí động học giống như các máy bay vận tải bình thường. Nó được trang bị hai động cơ máy bay phản lực cánh quạt ở bên trái và bên phải của cánh chính, thiết bị càng kiểu “ba chấm” về phía trước. Theo thông báo chính thức, máy bay có khoang chở hàng bên trong 12 mét khối và tải trọng thương mại 2 tấn, tầm bay tối đa 2.000 km, trần bay dưới 1.000 mét.
Đánh giá từ hai dữ liệu về không gian chứa hàng và khả năng mang tải, nó khá giống với một mẫu máy bay được Trung Quốc phát triển vào những năm 1980 là máy bay vận tải hạng nhẹ Y-12. Y-12 có cabin hàng khoảng 12,9 mét khối và khả năng tải trọng 1,7 tấn.
Tuy nhiên, xét về tầm bay, có một khoảng cách rõ ràng giữa Y-12 có người lái và chiếc UAV này. Tầm bay tối đa của Y-12 là 1300 ~ 1400 km, trong khi chiếc UAV có thể bay xa hơn gần 50% . Chỉ xét về điểm này, khi vận chuyển, giao hàng đến những nơi có khoảng cách hơn 1.400 km và trong phạm vi 2.000 km, so với chiếc Y-12 phải hạ cánh và tiếp nhiên liệu một lần trên đường đi thì loại UAV mới có hiệu suất và chi phí cao hơn.
Nhiều chi tiết chưa được công bố
Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ hệ thống điều khiển bay của chiếc UAV này có giá thành không hề rẻ. Đặc biệt đối với các UAV có khả năng chịu tải lớn và cự ly bay dài, khả năng ứng phó với các điều kiện trên không phải được xem xét trong quá trình phát triển hệ thống điều khiển bay, sau đó viết mã điều khiển bay tương ứng và lắp đặt các bộ phận khác nhau.
Các chi phí phát sinh trong nghiên cứu và sản xuất phải được chia sẻ trong quá trình bán hàng. Từ góc độ này, tin rằng khó có nhiều khách hàng tư nhân đủ khả năng chi trả và sử dụng máy bay vận tải không người lái hai động cơ cỡ lớn với số lượng lớn. Chỉ có một số công ty đầu ngành có sức mua mạnh và nhu cầu vận chuyển và hậu cần lớn mới quan tâm thiết bị này.
Nhưng nhìn từ khía cạnh khác, so với những khách hàng dân sự thường đặt lợi nhuận và kiểm soát chi phí lên hàng đầu, những khách hàng quân sự chú ý hơn đến việc theo đuổi hiệu suất của thiết bị, có thể đặt chi phí và giá cả sau tính năng có thể quan tâm đến mẫu UAV này.
Sẽ được phát triển vì mục đích quân sự?
Có thể loại máy bay này trong tương lai sẽ phát triển cho cả mục đích quân sự. Về mục đích sử dụng quân sự cụ thể, có ba hướng khả thi.
Thứ nhất là vận chuyển vật tư, trang thiết bị quân sự. Tận dụng ưu điểm khả năng chịu tải lớn, khoảng cách bay xa và hiệu suất vận chuyển cao, UAV mới có thể nhanh chóng vận chuyển các vật tư như trang bị cá nhân binh sĩ, đạn, đạn pháo, xe chiến đấu loại nhỏ, robot chiến đấu, thực phẩm, đồ uống, nước, quần áo và thuốc men...
Sau khi được chuyển đến sân bay gần tiền tuyến, các vật liệu liên quan có thể được chất lên xe tải và chuyển cho bộ đội ở tiền tuyến. Ở một số khu vực khó sử dụng máy bay vận tải có người lái cỡ lớn và vừa hoặc trong các môi trường như đường băng gần tiền tuyến có điều kiện cất cánh và hạ cánh kém, mẫu UAV này có thể có tác dụng quan trọng.
Thứ hai là làm máy bay mẹ phóng UAV chiến đấu trên không trung. Trong những năm gần đây, khái niệm “máy bay mẹ của UAV” đã xuất hiện, đặc biệt là khi việc thả nhiều UAV trên không để tạo thành "bầy đàn" được đánh giá là có hiệu quả chiến đấu và giá trị chiến trường rất lớn.
Trong lĩnh vực này, Mỹ đã sử dụng thành công máy bay vận tải chiến thuật C-130 để hoàn thành việc thả và thu hồi UAV “Gremlins” trên không. Châu Âu cũng đã sử dụng máy bay vận tải A-400M để hoàn thành việc thả và thu hồi UAV Do-DT25.
Cuối cùng là cải biến thành trạm cơ sở liên lạc trên không. Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, điều khiển điện từ là một lĩnh vực giao chiến mà tất cả quân đội đều hết sức coi trọng. Một trong những điểm mấu chốt là phá hoại liên lạc của đối phương và đảm bảo liên lạc thông suốt của quân mình. Do UAV mới có tải trọng lớn nên dự kiến nó sẽ mang theo thiết bị liên lạc lớn hơn và nặng hơn để đạt được vùng phủ sóng tín hiệu rộng hơn và đảm bảo liên lạc thông suốt và hiệu quả cho quân đội.
Nhìn chung, so với lĩnh vực dân sự, giá trị quân sự của chiếc máy bay vận tải không người lái cỡ lớn chưa được công khai tên này dường như còn cao hơn.
Hồi tháng 6/2024, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm máy bay không người lái vận tải thương mại HH-100 tại Tây An. Đây là loại máy bay không người lái vận tải hạng nhẹ có tải trọng 700 kg, tầm bay 500 km, khoang chở hàng 4 mét khối.