Khám phá xưởng lồng đèn trung thu theo phong cách 'trăm năm về trước'

Với niềm đam mê văn hóa phẩm truyền thống, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thủy (quận 3, TP.HCM) đã tạo ra nhiều mẫu lồng đèn trung thu xưa độc đáo, hút khách tìm mua.

Hơn 3 tháng nay, trong căn phòng rộng khoảng 20m vuông, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thủy (32 tuổi) cùng một số người thợ là sinh viên kiến trúc, ngày đêm tạo ra các mẫu lồng đèn trung thu truyền thống để trả đơn cho khách.

Chị Thủy đang trang trí chiếc lồng đèn có tên Song Thọ.

Xuất phát từ tình yêu văn hóa truyền thống và nhận thấy có sự đứt gãy đáng tiếc, khiến cho nhiều người trẻ ngày nay khó có thể tiếp cận với sản phẩm mang đậm dấu ấn xưa, vợ chồng chị Thủy tìm tòi và say mê nghiên cứu những sản phẩm thủ công truyền thống.

"Trong một lần tình cờ, tôi nhìn thấy hình ảnh của những chiếc lồng đèn trung thu cách đây hàng trăm năm, tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ, không thể tin được rằng ngay từ xưa, những người Việt mình đã vô cùng tỉ mỉ và tinh tế trong việc làm ra chiếc lồng đèn. Từ đó vợ chồng mình ấp ủ ý tưởng phỏng dựng những chiếc lồng đèn này" - Chị Thủy nói.

Để đáp ứng nhu cầu đặt mua của khách hàng, 10 người thợ trong xưởng liên tục làm việc từ sáng đến 12 giờ đêm, ra đơn nào là đóng gói gửi đi đơn đó. Khách hàng chủ yếu của chị Thủy là những người đam mê sưu tầm, trang trí nhà cửa, ngoài ra còn có những nhà hàng, quán cà phê, các doanh nghiệp, người nước ngoài...

Anh Nguyễn Hoàng Sơn, chồng chị Thủy đang chỉnh sửa lại hình dáng của lồng đèn Hồ Điệp, Anh là người tạo hình chính cho những sản phẩm lồng đèn, sau khi chị Thủy thiết kế.

Theo anh Sơn, để tạo ra một chiếc lồng đèn cần trải qua nhiều công đoạn, trong đó có 4 công đoạn chính: uốn khung, nối ráp, lợp giấy kiếng và vẽ hoàn thiện. Trong ảnh, anh Sơn đang dùng máy khò nhiệt để uốn trúc làm khung, sức nóng của nhiệt sẽ giúp thanh trúc dễ tạo hình hơn.

"Khung lồng đèn làm từ trúc đã qua xử lý mối mọt, nhập từ Hà Nội dù có giá thành cao hơn tre, nhưng ưu điểm là mềm, dẻo, dễ tạo hình và có tuổi thọ cao" - Anh Sơn nói.

Sau khi tạo khung, người thợ sẽ tiến hành lợp giấy kiếng. Trong ảnh là lồng đèn Đại Long, người thợ mất khoảng 5 tiếng để hoàn thành công đoạn này.

Người đảm nhận công việc thường xuyên này là bạn Lê Công Mẫn (21 tuổi, sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM). "Khác với những mẫu lồng đèn trung thu truyền thống ngoài thị trường, lồng đèn xưa có tạo hình 3D sống động hơn, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên trì." - Mẫn chia sẻ.

Một chiếc sản phẩm lồng đèn Song Thọ thành phẩm, có giá 445.000 đồng. Ngoài ra, xưởng chị Thủy còn sản xuất nhiều mẫu lồng đèn khác như Đại Long, Ngư Long, Cự giải, Hồ Điệp...Có giá giao động từ vài triệu đến hơn 40 triệu.

Mẫu lồng đèn Ngư Long Tiến Hóa thành phẩm của xưởng chị Thủy được bán với giá hơn 4 triệu đồng.

Mẫu lồng đèn trung thu Cự Giải

Theo chị Thủy, trong năm nay, xưởng sản xuất hơn 100 chiếc lồng đèn. Hiện xưởng đang trưng bày sản phẩm tại Triển lãm lồng đèn xưa do một nhóm bạn trẻ tổ chức, tại 187 Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP.HCM.

NGUYỆT NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/kham-pha-xuong-long-den-trung-thu-theo-phong-cach-tram-nam-ve-truoc-post807960.html