Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Lợi ích cho thế hệ sau
Các chuyên gia, y bác sĩ đều khẳng định việc khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Thăm khám để phát hiện sớm
Hiện Việt Nam chưa có thống kê bao nhiêu cặp vợ chồng cùng mang gen bệnh, nguy cơ sinh con dị tật. Nhưng một thống kê cho thấy, tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-17, chiếm tỷ lệ 3,1%. Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ. Nguyên nhân chính dẫn đến khuyết tật ở trẻ là khuyết tật bẩm sinh, chiếm khoảng 55-65%, còn lại là do bệnh tật, tai nạn...
Nhiều cặp đôi trước khi cưới không mắc bệnh nên chủ quan không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, việc làm này đôi khi lại mang đến hậu quả nặng nề cho con nếu cha mẹ đều là người lành nhưng mang gen bệnh.
Về vấn đề này, TS.BS Bùi Thị Phương Hoa - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, việc thăm khám tiền hôn nhân bao gồm thăm khám sức khỏe chung, sức khỏe sinh sản và di truyền. Hiện có hai nhóm xét nghiệm di truyền được khuyến cáo sàng lọc trong giai đoạn tiền hôn nhân, tiền sản bao gồm: xét nghiệm nhiễm sắc thể giúp đánh giá nguy cơ mắc các bệnh di truyền gây vô sinh hiếm muộn; và xét nghiệm gen cho biết tình trạng mang gen ẩn ở bố mẹ.
Cùng quan điểm, BS.CK1 Nguyễn Vạn Thông - Trưởng khoa Di truyền Y học, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) chia sẻ, xét nghiệm di truyền tiền hôn nhân giúp cả vợ và chồng hiểu về bệnh lý di truyền đã phát hiện, nguy cơ con mắc bệnh cũng như các phương pháp phòng ngừa hoặc chẩn đoán. Việc này còn giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái sau này như bệnh mù màu, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, hội chứng Down, bệnh máu khó đông di truyền...
Tuy nhiên, bác sĩ Quách Thị Hoàng Oanh - nguyên Phó khoa Xét nghiệm di truyền y học, Bệnh viện Từ Dũ cho biết thêm, khi cha mẹ khám tiền hôn nhân hoàn toàn bình thường thì vẫn có khả năng sinh con mắc bệnh di truyền, dù ít xảy ra. Nguyên nhân là đột biến xảy ra trong quá trình phân chia nhiễm sắc thể tạo trứng, tinh trùng hay giai đoạn sớm của phôi thai (ví dụ như Hội chứng Down) hoặc bệnh di truyền hiếm gặp nằm ngoài phạm vi khảo sát của các xét nghiệm di truyền phổ biến khi khám tiền hôn nhân. Do đó, dù kết quả khám tiền hôn nhân bình thường thì khi mang thai, các cặp đôi vẫn cần tuân thủ quy trình khám và theo dõi thai định kỳ. Thời điểm tốt nhất nên khám tiền hôn nhân là trước khi kết hôn 3-6 tháng.
Người trẻ chưa thực sự quan tâm
Một số bệnh viện tại TPHCM và Hà Nội cho hay, số người đến khám tiền hôn nhân tăng theo các năm, dù vậy con số này khá xa so với kỳ vọng của ngành y tế là "tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90% vào năm 2030".
Thực chất, theo ghi nhận của Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nguyên nhân nhiều người trẻ chưa "mặn mà" đến từ chính nhận thức của các bạn trẻ. Nhiều cặp đôi hiện vẫn coi nhẹ, tâm lý e dè, ngại ngùng hoặc không có sự đồng nhất tư tưởng giữa nam và nữ. Hoặc nhiều người muốn đi khám nhưng lại sợ bạn bè và người thân dị nghị "chắc là có vấn đề mới phải đến viện"…
Để đạt mục tiêu 90% cặp đôi được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào năm 2030, các chuyên gia cho rằng bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân, xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn, Tổng cục Dân số cần mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tới cộng đồng.
Về vấn đề này, Thứ thưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã từng đề xuất quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân, do Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghị định đều không quy định bắt buộc.
Theo ông Thức, nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới biết một trong hai người có bệnh lý liên quan đến tình dục và di truyền. Sau khi sinh con, nhiều người mới biết con mang bệnh di truyền từ gen lặn, để lại hậu quả lớn. Vì thế nếu ban hành quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân thì mỗi cặp vợ chồng trước khi kết hôn có thể chuẩn bị chu đáo cả về tâm lý và sức khỏe để tránh những hệ quả đáng tiếc sau này. Các thế hệ bác sĩ và nhà làm luật trước đây cũng từng nghĩ đến ý tưởng này nhưng trình độ y khoa, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống và nhận thức người dân đều chưa thích hợp.
Theo đó, khám sức khỏe tiền hôn nhân khác với khám tổng quát, cũng không phải khám sức khỏe sinh sản hay hậu sản. Bác sĩ sẽ tập trung khám chức năng cơ bản, sức khỏe tâm thần, tình dục, sinh sản. Các bệnh lý di truyền học và gen sẽ được xét nghiệm để phát hiện sớm. Bên cạnh đó là khám các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, giang mai, HIV, bởi không loại trừ trường hợp có người bị nhiễm bệnh nhưng không cho bạn đời biết, nếu kết hôn sẽ gây hệ quả cho chính họ và thế hệ mai sau.