Khẩn cấp cuộc đua bảo tồn đa dạng sinh học

Năm 2022 đánh dấu 30 năm các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) ký Công ước đa dạng sinh học (CBD). Đầu năm nay, LHQ cũng đã khởi động các cuộc thảo luận để soạn thảo

Năm 2022 đánh dấu 30 năm các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) ký Công ước đa dạng sinh học (CBD).

Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu năm nay, LHQ cũng đã khởi động các cuộc thảo luận để soạn thảo “Khung chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020” nhằm xây dựng hướng đi mới, hoạt động mới để bảo tồn đa dạng sinh học tới năm 2030. Nói đúng hơn, “Khung chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020” là cơ sở để đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đã diễn ra hàng chục năm qua, mặc dù giai đoạn 2011-2020 được Đại hội đồng LHQ tuyên bố là “Thập niên LHQ về đa dạng sinh học”.

Năm 2010, tại hội nghị COP 10 ở Aichi, Nhật Bản, các quốc gia thành viên Công ước đa dạng sinh học đã cam kết thực hiện 20 mục tiêu, từ loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và hạn chế tình trạng mất môi trường sống, đến bảo vệ nguồn cá, để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vào năm 2020. Tuy nhiên, trong báo cáo công bố tháng 9-2020, LHQ thừa nhận sau một thập niên, tất cả các mục tiêu đa dạng sinh học Aichi năm 2010 đều bị bỏ lỡ. LHQ cảnh báo tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra là chưa từng có trong lịch sử, với một triệu loài động, thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng. LHQ cũng chỉ rõ chính con người đã làm suy giảm đa dạng sinh học và cạn kiệt các nguồn tài nguyên nhanh hơn mức thiên nhiên có thể tái tạo và có thể nói, chính con người đã gây ra thảm họa sinh thái trên Trái Đất.

Thực tế này đã thúc đẩy các nước, tại vòng đầu tiên của hội nghị COP15 với chủ đề “Nền văn minh sinh thái: Xây dựng tương lai chung cho tất cả sự sống trên Trái Đất” được tổ chức tại Côn Minh tháng 10-2021, thông qua Tuyên bố Côn Minh, tạo động lực cho một hiệp ước đa dạng sinh học mới toàn cầu, tức một kế hoạch chi tiết về bảo tồn đa dạng sinh học cho thập niên tới, mang tên “Khung chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020”. Các bên cũng nhất trí soạn thảo và đưa ra xem xét văn kiện này tại vòng thứ hai của hội nghị COP15, dự kiến được tổ chức tại Côn Minh cuối năm nay.

Trong bối cảnh đó, LHQ đã chọn thông điệp “Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống” của vòng 1 COP15 tại Côn Minh tháng 10-2021 làm chủ đề cho Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm 2022, nhằm tạo động lực và hỗ trợ thúc đẩy các bên đạt được đồng thuận về “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người. Như tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ: “Chúng ta cùng nỗ lực với nhau duy trì mọi sự sống trên Trái Đất để con người và thiên nhiên đều được hưởng lợi”, chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022 cũng nhằm thúc đẩy hành động toàn cầu xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Cách đây 2 tháng, đại biểu khoảng 200 quốc gia đã quy tụ tại Geneva (Thụy Sĩ) để đàm phán “Khung chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020”, trong đó trọng tâm thảo luận chính là kêu gọi các quốc gia thực hiện cơ chế bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ của họ vào năm 2030.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới và cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, với vai trò là nước thành viên Công ước đa dạng sinh học từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp tác nhằm đẩy lùi tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững. Tháng 1-2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-CP Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được Chính phủ phê duyệt như Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam (2013-2020); Chương trình quốc gia bảo vệ hổ (2014-2022); Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030...

Bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước LHQ về đa dạng sinh học cho rằng đại dịch COVID-19 đã chứng minh đa dạng sinh học không chỉ quan trọng đối với con người, mà còn đối với việc bảo vệ Trái Đất. Bà nhấn mạnh thế giới đang mong chờ những hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên, cũng là để đảm bảo con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Trong khi đó, theo Tổng thư ký LHQ Guterres, thế giới cần một cơ cấu khung về đa dạng sinh học sau năm 2020 nhằm truyền cảm hứng hành động trên toàn cầu với sự tham gia của mọi chính phủ, doanh nghiệp và công dân, bởi bảo vệ thiên nhiên sẽ tạo ra một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn./.

Theo Báo Tin Tức

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202205/khan-cap-cuoc-dua-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-2550967/